Thỏa thuận lịch sử về thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu của G7 có ý nghĩa như thế nào?

Thanh Hiệp (Tổng hợp từ Reuters, Nikkei Asia Review, CNN, Bloomberg, CNBC)-Chủ nhật, ngày 06/06/2021 17:06 GMT+7

Các nước G7 đạt thỏa thuận về thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu (Nguồn: Reuters)

VTV.vn - Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vừa đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt, khi nhất trí về mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu là 15%.

Tin xấu đối với các "thiên đường thuế"

Trong một động thái có thể huy động hàng trăm tỷ USD để giúp các chính phủ đối phó với hậu quả của COVID-19, Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã đồng ý thiết lập mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu là 15%. Các công ty cũng sẽ phải trả nhiều thuế hơn ở các quốc gia mà họ cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Thông cáo từ các bộ trưởng tài chính G7 nêu rõ: "Chúng tôi cam kết đạt được một giải pháp hợp lý trong vấn đề phân bổ quyền áp thuế, theo đó các nước có quyền áp thuế đối với ít nhất 20% lợi nhuận vượt quá biên độ 10% đối với các công ty đa quốc gia lớn nhất và sinh lời nhiều nhất. Chúng tôi đảm bảo sự phối hợp hợp lý giữa việc áp dụng các luật thuế quốc tế mới với việc xóa bỏ toàn bộ thuế dịch vụ kỹ thuật số và các biện pháp tương tự liên quan đối với tất cả các công ty".

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết: "Sau nhiều năm thảo luận, các bộ trưởng tài chính G7 đã đạt được một thỏa thuận lịch sử nhằm cải cách hệ thống thuế toàn cầu để phù hợp với kỷ nguyên kỹ thuật số toàn cầu, và quan trọng hơn, đảm bảo tính công bằng".

Thỏa thuận lịch sử về thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu của G7 có ý nghĩa như thế nào? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak khẳng định thỏa thuận vừa đạt được về thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu là một bước đi mang tính lịch sử (Nguồn: Twitter)

Còn theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, "cam kết quan trọng, chưa từng có tiền lệ này" sẽ kết thúc cái gọi là cuộc chạy đua xuống đáy trong thuế thu nhập doanh nghiệp, đảm bảo sự công bằng cho tầng lớp trung lưu và người lao động ở Mỹ cũng như trên thế giới. Bà Yellen đồng thời cũng cho rằng điều này sẽ khuyến khích các nước cạnh tranh dựa trên những cơ sở tích cực.

Thỏa thuận lịch sử về thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu của G7 có ý nghĩa như thế nào? - Ảnh 2.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen kỳ vọng thỏa thuận mới sẽ đảm bảo sự công bằng cho tầng lớp trung lưu và người lao động (Nguồn: Twitter)

Theo bà Yellen, cuộc họp của G7 là minh chứng rõ nét cho sự quay trở lại với chủ nghĩa đa phương dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, cách tiếp cận trái ngược với Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump – người vốn không thân thiện với nhiều đồng minh của Mỹ. Bà Yellen chia sẻ: "Những gì tôi nhận thấy trong thời gian tham dự cuộc họp G7 là sự hợp tác sâu sắc và mong muốn được phối hợp để giải quyết các vấn đề toàn cầu".

Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz nhận định thỏa thuận này là "tin xấu đối với các thiên đường thuế trên toàn thế giới", đồng thời cho biết thêm: "Các công ty sẽ không còn có thể trốn tránh nghĩa vụ thuế bằng cách chuyển lợi nhuận của họ tới các quốc gia có mức thuế thấp nhất".

Bước tiến tích cực sau nhiều năm bế tắc

Trong nhiều năm qua, các quốc gia giàu có đã gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm sự đồng thuận về cách thức áp thuế đối với các công ty đa quốc gia lớn. Các tập đoàn khổng lồ, với doanh thu hàng tỷ USD trên toàn cầu này, thường chỉ nộp một mức thuế không đáng kể nhờ các biện pháp né thuế tinh vi, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài chính công.

Thỏa thuận lịch sử về thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu của G7 có ý nghĩa như thế nào? - Ảnh 3.

Mức thuế suất doanh nghiệp trung bình trên toàn thế giới đã liên tục giảm trong suốt 4 thập kỷ qua do các nỗ lực "chạy đua xuống đáy" của chính phủ các nước (Nguồn: Bloomberg)

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tạo động lực mới cho các cuộc đàm phán bị đình trệ bằng cách đề xuất mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu là 21% rồi sau đó, điều chỉnh xuống 15% để ngăn cản các công ty đa quốc gia chuyển lợi nhuận tới các quốc gia đánh thuế thấp để né thuế.

Thỏa thuận lịch sử về thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu của G7 có ý nghĩa như thế nào? - Ảnh 4.

Đề xuất thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp sức cho các nỗ lực đàm phán giữa các quốc gia (Nguồn: CNBC)

Mức thuế suất 15% mà các nước G7 vừa thống nhất cao hơn mức thuế hiện đang được áp dụng tại các quốc gia như Ireland nhưng vẫn ở dưới mức thấp nhất trong các nước G7.

Thỏa thuận cũng hứa hẹn sẽ chấm dứt các khoản thuế dịch vụ kỹ thuật số quốc gia mà Anh và các nước châu Âu khác áp dụng với những công ty đa quốc gia của Mỹ, điều mà Washington cho rằng mang tính phân biệt đối xử và thiếu công bằng đối với các doanh nghiệp của nước này.

Phản ứng trước các thông tin về thỏa thuận, một số hãng công nghệ hàng đầu thế giới của Mỹ cho biết đang tập trung theo dõi cách thức thỏa thuận có thể ảnh hưởng đến những quy định về thuế.

Trên tài khoản Twitter cá nhân, ông Nick Clegg - phó chủ tịch Facebook phụ trách các vấn đề toàn cầu và cũng là cựu phó thủ tướng Anh - cho biết: "Thỏa thuận này là một bước đi đầu tiên quan trọng, hướng tới sự ổn định cho các doanh nghiệp và củng cố niềm tin công chúng vào hệ thống thuế toàn cầu". Ông cũng nhận định: "Chúng tôi muốn quá trình cải cách thuế quốc tế thành công và nhận ra rằng điều này có thể khiến những công ty như Facebook phải trả nhiều thuế hơn và ở những nơi khác nhau".

Thỏa thuận lịch sử về thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu của G7 có ý nghĩa như thế nào? - Ảnh 5.

Phó chủ tịch Facebook Nick Clegg thừa nhận tầm quan trọng của thỏa thuận thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu (Nguồn: Twitter)

Hãng công nghệ khổng lồ khác là Google cũng ủng hộ việc thay đổi quy định thuế quan quốc tế, đồng thời hy vọng "các nước tiếp tục hợp tác cùng nhau để đảm bảo một thỏa thuận cân bằng và bền vững". Người phát ngôn Google - José Castañeda - chia sẻ như vậy với hãng truyền thông CNN.

Trong khi đó, phát ngôn viên của Amazon nói rằng "Chúng tôi tin tưởng một quy trình do OECD dẫn đầu nhằm đưa ra một giải pháp đa phương sẽ giúp đem lại sự ổn định cho hệ thống thuế quan quốc tế. Thỏa thuận của G7 là một bước đi được hoan nghênh nhằm hướng tới nỗ lực đạt được mục tiêu này".

Thách thức vẫn còn ở phía trước

Tuy nhiên, từ thỏa thuận này cho tới việc một mức thuế thống nhất được áp dụng rộng rãi trên phạm vi toàn cầu vẫn còn cả một chặng đường dài.

Trước tiên, các biện pháp vừa được G7 thông qua sẽ cần phải tìm được sự ủng hộ rộng rãi hơn tại cuộc họp của nhóm 20 Nền kinh tế lớn (G20), trong đó bao gồm một số nền kinh tế mới nổi, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng tới ở Venice (Italy). Bên cạnh đó là cuộc đàm phán được lên kế hoạch với 135 quốc gia tại Paris (Pháp).

Các quốc gia sẽ phải quyết định xem quy định mới sẽ áp dụng đối với những công ty lớn nào và cách thức phân chia doanh thu thuế sẽ được thực hiện ra sao. Bộ trưởng Tài chính Anh Sunak  phát biểu thận trọng: "Mọi thứ vẫn còn rất phức tạp và đây mới chỉ là bước đầu tiên". Ông cũng nhận định mặc dù thỏa thuận này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho ngân sách, nhưng vẫn còn quá sớm để biết nó sẽ mang lại bao nhiêu tiền cho nước Anh.

Thỏa thuận không nói rõ chính xác những doanh nghiệp nào sẽ chịu ảnh hưởng từ các quy tắc mới mà chỉ đề cập đến các "công ty đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất". Do vậy, một số quốc gia châu Âu lo ngại rằng một doanh nghiệp lớn như Amazon có thể thoát khỏi những quy định này, bởi hãng hiện đang báo cáo tỷ suất lợi nhuận thấp hơn hầu hết các công ty công nghệ nổi tiếng khác. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định hãng thương mại điện tử khổng lồ của Mỹ này cũng nằm trong phạm vi ảnh hưởng của thỏa thuận.

Các nền kinh tế lớn tại châu Âu là Đức, Pháp và Italy đã hoan nghênh thỏa thuận thuế vừa đạt được. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết ông sẽ đấu tranh để đạt được mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu cao hơn 15%. Pháp được biết đến là một trong những quốc gia đi đầu trong các nỗ lực áp thuế các công ty đa quốc gia với mức thuế suất có thể lên tới 31%.

Thỏa thuận lịch sử về thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu của G7 có ý nghĩa như thế nào? - Ảnh 6.

Mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu 15% nhận được những phản ứng khác nhau tại châu Âu, nơi mức thuế doanh nghiệp dao động lớn giữa các quốc gia (Nguồn: Bloomberg)

Tương tự, nhiều ý kiến chỉ trích cũng cho rằng kết quả vừa đạt được là "thiếu tham vọng". Các nhóm vận động như tổ chức từ thiện phát triển quốc tế Oxfam cho biết mức thuế tối thiểu cần phải cao hơn nhiều. Người đứng đầu chính sách bất bình đẳng của Oxfam, ông Max Lawson, cho biết: "Họ đang đặt ra ngưỡng thuế thấp đến mức sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến các công ty lớn".

Thỏa thuận lịch sử về thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu của G7 có ý nghĩa như thế nào? - Ảnh 7.

Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe nhấn mạnh các thỏa thuận toàn cầu cần tính đến lợi ích của các quốc gia nhỏ hơn (Nguồn: Twitter)

Mặc dù vẫn ủng hộ mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu, Bộ trưởng Tài chính Ireland  Paschal Donohoe cũng lưu ý rằng bất kỳ thỏa thuận toàn cầu nào cũng cần tính đến các quốc gia nhỏ hơn. 

Trên tài khoản Twitter của mình, ông Donohoe nêu rõ: "Đây là vì lợi ích của mọi người để đạt được một thỏa thuận bền vững, tham vọng và bình đẳng đối với cấu trúc thuế quốc tế". Ireland hiện chỉ đang áp dụng mức thuế doanh nghiệp 12,5% và là điểm đến ưa thích của nhiều doanh nghiệp lớn. Một mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu 15% được cho là sẽ khiến quốc gia này mất đi nhiều lợi thế trong việc thu hút các doanh nghiệp lớn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước