Sau phán quyết do DOC đưa ra, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có 60 ngày để kiến nghị về việc thay đổi mức thuế này. Nếu không, bắt đầu từ tháng 6/2019, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cá tra vào Mỹ sẽ phải đóng thuế từ 2,39 - 7,74 USD/kg tùy theo đối tượng. Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, mức thuế này là bất hợp lý.
Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, ở 12 lần tính thuế chống bán phá giá cá tra trước đây, Bộ Tài chính Mỹ thường lấy cơ sở dữ liệu từ một nước thứ ba là Indonesia hoặc Bangladesh để làm cơ sở tính thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam. Lần này, phía Mỹ không sử dụng cách cũ mà dựa trên dữ liệu có sẵn để tính thuế. Điều đáng nói, những dữ liệu này gây bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Trước những bất lợi từ mức thuế mới, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã có những phản ứng đầu tiên.
Năm 2018, mục tiêu đề ra là xuất khẩu cá tra của nước ta đạt 1,85 tỷ USD. Mức thuế chống bán phá giá cao nhất từ trước tới nay mà phía Mỹ áp dụng sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu này. Hơn nữa, mức thuế này lại mang tính áp đặt, có tính bảo hộ cho sản phẩm cá da trơn nội địa của Mỹ. Tuy nhiên, đây sẽ là cơ hội để cá tra Việt Nam xuất vào Mỹ nâng giá bán. Từ sự kiện này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có sự chủ động hơn trong việc mở rộng thị trường, tìm đối tác mới cho con cá tra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!