Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước khi ký thông qua đạo luật. (Ảnh: AP)
Đạo luật mới được coi là bước ngoặt giúp ngành nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn của Mỹ có thể cạnh tranh hiệu quả hơn với các nước.
Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh, Đạo luật CHIP trị giá 52 tỷ USD sẽ mang ngành công nghiệp sản xuất chip trở lại nước Mỹ.
"Tương lai của ngành công nghiệp sản xuất chip sẽ là của Mỹ. Chúng ta cần tạo những con chip ngay tại Mỹ để giảm giá hàng hóa và tạo thêm công ăn việc làm", Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh.
Đạo luật dành khoản tín dụng thuế ưu đãi 25%, khoảng 24 tỷ USD, cho việc xây dựng các nhà máy tại Mỹ. Các doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn đã và đang công bố các khoản đầu tư khổng lồ để nhận được ưu đãi từ đạo luật.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành đạo luật nhằm tăng cường năng lực sản xuất chip trong nước. (Ảnh: Reuters)
Micron sẽ đầu tư 30 tỷ USD vào nhà máy sản xuất chip, nâng thị phần tại Mỹ của doanh nghiệp này từ 2% lên 10%. Qualcomm, hôm 8/8, cũng đồng ý mua thêm 4,2 tỷ USD chip bán dẫn từ một nhà máy của Mỹ.
"Vào những năm 90, Mỹ đã sản xuất 37% chip trên thế giới. Giờ giảm xuống còn 12%. Những gì mà đạo luật chip phải làm là thu hẹp khả năng cạnh tranh toàn cầu, biến ngành sản xuất chip trở thành hiện thực ngay tại Mỹ", ông Tom Caulfield, Giám đốc Điều hành, Công ty GlobalFoudries, Mỹ, nói.
Ngành công nghiệp chip tại Mỹ đang phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp nước ngoài, chủ yếu đến từ châu Á. Tình trạng thiếu chip kéo dài là nguyên nhân đẩy giá ô tô tại Mỹ tăng cao thời gian gần đây.
Các chuyên gia nhận định, Đạo luật CHIP của Mỹ hướng tới mục tiêu lâu dài là giúp cho nước Mỹ tự chủ sản xuất được các con chip công nghệ cao, có kích thước nhỏ hơn 10 nanomet. Đây là những con chip hiện đại phục vụ cho các ngành công nghiệp tiên tiến như quốc phòng, hàng không vũ trụ của Mỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!