Giá dầu thô trong phiên giao dịch ngày 16/11 tại Sàn hàng hóa New York đã giảm nhẹ xuống ngưỡng 80,76 USD/thùng. Mỹ được cho là đang dần làm chủ được nguồn cung dầu để giúp loại hàng hóa này không tăng giá mạnh trong những tháng trọng điểm về tiêu dùng cuối năm. Tuy nhiên liệu giá cả hàng hóa có thực sự "thuận" theo giá đi xuống của xăng, dầu?
Giá dầu thô trong ngắn hạn có thể giảm. OPEC đã khước từ việc bơm thêm nhiều dầu để hạ nhiệt thị trường ngay. Do đó, Mỹ đã vào cuộc.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo dầu Brent (biển Bắc) có thể trụ ở ngưỡng 71,5 USD/thùng trong năm nay và chỉ tăng thêm gần 8 USD trong năm sau. Cơ quan này lý giải, giá dầu đang ở mức cao sẽ là động lực khiến các bên gia tăng sản lượng trong thời gian tới, đặc biệt từ phía Mỹ.
IEA ước tính Mỹ sẽ tăng 300.000 thùng dầu/ngày trong quý 4 năm nay và tiếp tục mức 200.000 thùng/ngày vào năm 2022, khi giá dầu vẫn ở ngưỡng cao. Cơ quan này cho biết với mức tăng như vậy, nhu cầu về dầu phục vụ kinh tế Mỹ hồi phục từ COVID-19 sẽ được đáp ứng. Còn trên phạm vi toàn cầu, cầu vẫn có thể còn vượt cung.
Công nhân làm việc trên một giàn khoan gần Encinal, Texas, Mỹ. (Ảnh: Bloomberg)
Về phía Mỹ, biện pháp được thực hiện trước mắt là lấy dầu từ kho dự trữ chiến lược quốc gia. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, việc làm này sẽ có tác động "ngắn hạn" đối với giá dầu hiện đang ở mức cao. Trang Bloomberg ước tính, nếu trích ra từ 15 - 48 triệu thùng dầu trong một thời gian ngắn sẽ khiến giá dầu thô giảm 2 USD/thùng.
Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đang cố gắng bơm thêm dầu vào thị trường để hạ nhiệt giá xăng, dầu tiêu dùng, từ đó giảm giá cả hàng hóa. Tuy nhiên một thông tin về bán lẻ vừa được đưa ra cho thấy, dường như thực tế đang vượt qua tính toán của họ.
Thời báo New York có bài: "Người tiêu dùng vẫn chi tiêu bất chấp nỗi lo lạm phát" (tức giá cả tăng cao). Báo cáo mới đây cho thấy, chi tiêu tiêu dùng trong tháng 10 vẫn tăng 1,7%, cao hơn nhiều so với kỳ vọng, và là tháng tăng thứ 3 liên tiếp. Đặc biệt, chi tiêu cho xăng, dầu vẫn tăng 4%, xe cộ tăng gần 2%.
Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ dự báo, mùa lễ hội năm nay, người tiêu dùng Mỹ có thể chi tới 851 tỷ USD, tăng 9,5% so với mức kỷ lục của năm 2020, và gấp đôi mức tăng trung bình của 5 năm trở lại đây.
Các chuyên gia lý giải, sở dĩ người dân không những không thắt chặt hầu bao khi giá cả tăng, mà còn tiêu nhiều hơn, chỉ vì họ đang có được các công việc có mức lương cao hơn trước.
Lạm phát ở Mỹ tăng cao trong thời gian qua được cho là do giá xăng, dầu tăng và nguồn cung hàng hóa đứt gãy. Lý do thứ nhất là dầu, nước Mỹ có thể chủ động được. Tuy nhiên nguồn cung hàng hóa dường như ngày càng khó kiểm soát. Bởi trong mức tăng về chi tiêu tháng vừa qua của người Mỹ, chủ yếu lại là tăng mua hàng hóa, chứ không phải tăng cho các dịch vụ. Vì vậy, hàng đã khan hiếm, sẽ càng trở nên khan hiếm hơn. Điều đó sẽ tiếp tục đẩy giá các mặt hàng tăng cao.
Giá dầu dự báo tiếp tục tăng VTV.vn - Nguồn cung còn yếu, nhu cầu lại đang cao khi hoạt động sản xuất được nối lại sau dịch bệnh khiến giá dầu được dự báo còn tiếp tục tăng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!