Nhà máy lọc dầu Novokuibyshevsk do Rosneft vận hành ở Novokuibyshevsk, vùng Samara, Nga. (Ảnh: Bloomberg)
Mỹ đề nghị châu Âu cho phép doanh nghiệp nhận bảo hiểm với các chuyến hàng dầu thô từ Nga, với điều kiện đây là chuyến hàng bán cho các nước có thu nhập thấp và sẽ phải bán theo giá trần do phương Tây đặt ra.
Theo phía Mỹ, lệnh cấm nhận bảo hiểm cho dầu thô Nga của Liên minh châu Âu (EU) đã góp phần thắt chặt nguồn cung dầu trên thị trường quốc tế và đẩy giá dầu tiếp tục ở mức cao. Dù vậy, để điều chỉnh các lệnh cấm vận, Mỹ sẽ cần có sự đồng thuận từ cả 27 nước thành viên EU.
Lệnh cấm bảo hiểm là một phần trong gói lệnh trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga, trong đó trọng tâm là lệnh cấm nhằm vào dầu được vận chuyển theo đường biển. Dầu vận chuyển qua đường ống từ Nga và EU được miễn trừ tạm thời.
Hiện nay, Mỹ đã cấm nhập dầu Nga, đồng thời dừng bán các công nghệ quan trọng và hy vọng thị trường sẽ điều chỉnh sau khi ngành công nghiệp năng lượng tại Nga suy yếu. Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã công bố kế hoạch giảm dần nhập khẩu dầu mỏ từ Nga. Tuy nhiên, bất chấp các lệnh trừng phạt, Nga đã tìm được các khách hàng mới từ châu Á, như Trung Quốc, Đài Loan... để thay thế khách mua truyền thống ở châu Âu.
Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, đang đẩy mạnh nhập năng lượng với giá rẻ từ Nga cũng như chỉ trích các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga. Mỗi ngày, Trung Quốc và Ấn Độ nhập khẩu khoảng 938.700 thùng dầu giá rẻ từ Nga trong tháng 5. Hồi tháng 1/2022, hai quốc gia này nhập 170.800 thùng dầu thô Nga mỗi ngày.
Lệnh cấm bảo hiểm từ EU đối với các tàu chở nhiên liệu của Nga đang được kỳ vọng sẽ khiến Nga khó chuyển hàng trăm nghìn thùng dầu mỗi ngày sang những khách hàng khác ở Ấn Độ và Trung Quốc.
Các công ty của khối sẽ không được phép "cung cấp dịch vụ bảo hiểm và hỗ trợ tài chính cho hoạt động vận chuyển" dầu Nga sang bên thứ ba. "Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho Nga nếu họ muốn tiếp tục xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ khác tới phần còn lại của thế giới, vì các công ty EU là bên quan trọng cung cấp dịch vụ bảo hiểm và tài chính như vậy", thông báo từ Ủy ban châu Âu (EC) nêu rõ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, bất chấp các biện pháp ngăn chặn, giá năng lượng toàn cầu sẽ ngày một tăng cao hơn nữa. Điều này đồng nghĩa với việc người dân tại châu Âu và Mỹ sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề do giá năng lượng tăng mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!