Mỹ: Nâng cao hiệu quả chi ngân sách trong nhiệm kỳ mới

Thường trú Đài THVN tại Mỹ-Thứ tư, ngày 20/11/2024 16:22 GMT+7

VTV.vn - Trong bối cảnh thâm hụt ngân sách của Mỹ ở mức cao kỷ lục, một số giải pháp để cải tổ bộ máy chính quyền, tăng hiệu quả chi tiêu ngân sách đã được đề xuất.

Còn hai tháng nữa là diễn ra cuộc chuyển giao Chính phủ tại Mỹ. Hiện nay, các kế hoạch và chính sách kinh tế của chính quyền mới là vấn đề hàng đầu được dư luận quan tâm. Trong bối cảnh thâm hụt ngân sách của Mỹ ở mức cao kỷ lục, một số giải pháp để cải tổ bộ máy chính quyền, tăng hiệu quả chi tiêu ngân sách đã được đề xuất.

Nhiều tờ báo lớn của Mỹ đang đưa tin về sáng kiến của chính quyền mới về việc thành lập Bộ Hiệu quả Chính phủ. Cơ quan này không nằm trong nội các, có chức năng đưa ra khuyến nghị để cải tổ bộ máy chính quyền, tiết kiệm và tăng hiệu quả chi tiêu ngân sách.

Theo tờ Thời báo New York, dự kiến tỷ phú Elon Musk và doanh nhân từng tranh cử Tổng thống Vivek Ramaswamy, sẽ được giao phụ trách Bộ hiệu quả Chính phủ. Và kỳ vọng cơ quan này có thể đề xuất các đợt cắt giảm lớn để tăng hiệu suất hoạt động cho các cơ quan công quyền của Mỹ.

Mỹ: Nâng cao hiệu quả chi ngân sách trong nhiệm kỳ mới - Ảnh 1.

Ông Elon Musk dự kiến có thể tiết kiệm 2.000 tỷ USD trong tổng chi ngân sách hàng năm của Mỹ- Ảnh: Bloomberg

Sứ mệnh thiết lập một Chính phủ tinh gọn, hiệu quả của cơ quan này được kỳ vọng có thể hoàn thành vào ngày 04/7 năm sau, trùng mốc kỷ niệm 250 năm Quốc khánh Mỹ.

Về nội dung cải cách cụ thể, theo tờ CBS news, ông Elon Musk dự kiến có thể tiết kiệm 2.000 tỷ USD trong tổng chi ngân sách hàng năm của Mỹ. Bên cạnh đó, ông Musk cũng đề xuất giảm số lượng các cơ quan liên bang xuống còn 99, từ 400 cơ quan như hiện nay.

Theo chuyên gia của Viện Brookings, sau hàng chục năm, việc đánh giá lại hiệu quả quản trị của bộ máy chính quyền là cần thiết. Để đạt được hiệu suất quản trị như hiện nay, bộ máy chính quyền Mỹ cũng đã trải qua nhiều lần cải tổ.

Dẫn chứng được đưa ra trong bài bình luận trên chuyên trang của viện Brookings về chương trình "Đánh giá Hiệu suất Quốc gia" thực hiện trong nhiệm kỳ của Tổng thống Bill Clinton, từ năm 1993 đến năm 2000.

Chương trình này là nỗ lực cải cách lâu nhất trong lịch sử nước Mỹ, dẫn đến việc cắt giảm 426.000 nhân sự liên bang. Sau chương trình này, hàng trăm khuyến nghị đã được đưa ra, trong đó có ⅔ được thực thi, mang lại khoản tiết kiệm 136 tỷ USD.

Về phía giới doanh nhân, theo Business Insider, Tổng Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, Jamie Dimon cũng ủng hộ đề xuất thành lập Bộ Hiệu quả Chính phủ.

Theo ông Dimon, Phó Tổng thống Al Gore đã điều hành một cơ quan tương tự trong chính quyền Tổng thống Clinton. Và việc cải tổ hiện nay là cần thiết.

Bộ Hiệu quả Chính phủ dự kiến tuyển nhân viên là những người có tư tưởng tiến bộ, có trình độ và sẵn sàng làm việc với cường độ cao. Những người đứng đầu cơ quan này kỳ vọng sắp tới có thể tạo ra sự tinh gọn thực chất cho một số cơ quan Chính phủ đang có bộ máy cồng kềnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước