Sự kiện này được đánh giá là đáng chú ý, khi người dân Mỹ vẫn giữ thói quen sử dụng tiền mặt và chi phiếu, trong khi thời gian chuyển khoản ngân hàng có thể mất tới vài ngày.
FedNow cũng là hệ thống thanh toán mới đầu tiên của Mỹ được Washington hỗ trợ kể từ những năm 1970.
FedNow được lên kế hoạch từ năm 2019 sẽ cho phép chuyển khoản tức thời các khoản tiền giao dịch, có giá trị lên tới 500.000 USD. Con số này thấp hơn nhiều so với mức giao dịch trung bình khoảng 5 triệu USD trên dịch vụ chuyển tiền chính của FED là Fedwire, được sử dụng rộng rãi bởi các ngân hàng, công ty và cơ quan Chính phủ.
Trả lời họp báo trong lễ ra mắt FedNow, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết dịch vụ thanh toán mới sẽ giúp hỗ trợ các giao dịch tài chính điện tử hàng ngày của người dân Mỹ trở nên nhanh và thuận tiện hơn trong thời gian tới.
Mặc dù các ngân hàng và hiệp hội tín dụng có thể đăng ký FedNow bắt đầu từ ngày 20/7, nhưng dự kiến sẽ mất nhiều năm để tất cả có thể tham gia vào mạng lưới và cung cấp dịch vụ thanh toán tức thời cho khách hàng cá nhân. Nhưng khi FedNow trở nên phổ biến hơn, người dùng cá nhân cũng như các doanh nghiệp sẽ là các bên hưởng lợi ích từ hệ thống thanh toán này.
Việc Mỹ chính thức đưa ra một công cụ như FedNow thực chất không phải là một sự đổi mới chưa từng có. Nhiều nước trên thế giới như Anh, Ấn Độ hay Brazil đã triển khai một hệ thống tương tự như FedNow từ rất nhiều năm trước.
Sau khi ra mắt, dịch vụ FedNow mới chỉ nhận được một số lượng nhỏ trong tổng số hơn 4.000 ngân hàng ở Mỹ đăng ký sử dụng, trong đó có các ngân hàng lớn như JP Morgan Chase và Wells Fargo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!