Nhiều lo ngại gia tăng đã liên tục được cảnh báo về rủi ro tiềm tàng của AI đối với nạn phân biệt đối xử, thông tin sai lệch và quyền riêng tư. Đây cũng là chủ đề được báo chí Mỹ đưa tin đậm nét tuần qua.
Công nghệ thường phát triển nhanh hơn tốc độ hành động của chính phủ. Hiện nay, sự bùng nổ mạnh mẽ của AI đã buộc chính phủ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Mỹ phải sớm đưa ra giải pháp.
Trang CNN cho biết, Nhà Trắng đã liệt kê một loạt các rủi ro từ công cụ AI như: thông tin sai lệch làm suy yếu nền dân chủ, việc mất việc làm do tự động hóa ngày càng tăng, hay mối nguy hại từ nạn tin tặc độc hại do AI cung cấp.
Để giảm thiểu tác hại, Nhà Trắng cũng lập kế hoạch quản lý việc các cơ quan Chính phủ Mỹ mua sắm và sử dụng hệ thống AI. Điều này sẽ định hình cách người Mỹ có thể tiếp cận được các sản phẩm AI, giảm thiểu các rủi ro AI có thể mang lại.
Theo CNBC, ngày 4/5, Phó Tổng thống Kamala Harris và một số quan chức chính quyền có cuộc họp với người đứng đầu các công ty công nghệ như Google, Microsoft để bàn về việc phát triển AI hiệu quả và an toàn. Hiện các công ty công nghệ đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan Liên Bang Mỹ như Ủy ban Thương mại Liên bang hay cơ quan thực thi Luật bảo vệ người tiêu dùng và chống độc quyền.
Nhiều lo ngại gia tăng đã liên tục được cảnh báo về rủi ro tiềm tàng của AI đối với nạn phân biệt đối xử, thông tin sai lệch và quyền riêng tư. (Ảnh minh họa - Ảnh: Fujitsu)
Năm 2022, chính quyền Mỹ đã công bố đề xuất dự luật về quyền AI, kêu gọi các nhà phát triển tôn trọng các nguyên tắc về quyền riêng tư, an toàn và quyền bình đẳng khi họ tạo ra các công cụ AI mới.
Còn năm nay, theo Bưu điện Washington, Nhà Trắng cũng dự kiến, trong vài tháng tới, sẽ ban hành hướng dẫn về cách cơ quan liên bang có thể sử dụng các công cụ AI. Thông điệp chính quyền Biden muốn gửi tới các công ty công nghệ rằng họ có vai trò quan trọng để giảm thiểu rủi ro và có thể hợp tác với chính phủ.
Theo đó, tờ Foxbusiness cho biết, Mỹ đưa ra kế hoạch trị giá 140 triệu USD để thành lập 7 viện nghiên cứu AI mới, yêu cầu các cơ quan chính phủ soạn thảo hướng dẫn sử dụng AI an toàn. Điều này cũng có nghĩa các công ty công nghệ có trách nhiệm đảm bảo sản phẩm của họ an toàn trước khi được công khai trước công chúng.
Mỹ không phải quốc gia duy nhất đang muốn tìm cách định hình sự phát triển của AI. Các quan chức châu Âu được dự đoán ngay trong năm nay cũng ban hành luật AI. Điều này sẽ tác động và có ý nghĩa quan trọng đối với các công ty công nghệ trên toàn thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!