(Ảnh minh họa).
Đây là phán quyết vừa được Bộ Thương mại Mỹ đưa ra sau khi áp dụng cách tính mới.
Để đưa ra mức thuế chống bán phá giá đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam, Bộ Thương mại Mỹ chọn một nước thứ 3 có quy mô nền kinh tế tương đồng với Việt Nam làm cơ sở tính toán.
Trong những năm trước, Bangladesh được chọn làm quốc gia tham chiếu. Nhưng năm nay, do có sự khiếu nại của một số nhà chế biến và chủ tàu đánh bắt tôm ở Mỹ, nên Bộ Thương mại Mỹ đã thay thế Bangladesh bằng Ấn Độ.
Trên cơ sở thay đổi này, Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định nâng mức thuế chống bán phá giá đối đối với tôm Việt Nam từ 1,16% lên mức 1,42%. Mức thuế cao hơn này được áp dụng cho các lô hàng tôm đã được nhập vào Mỹ trong khoảng thời gian 12 tháng, kể từ tháng 2/2013.
Trên thực tế, các công ty nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Mỹ đã phải đặt cọc một khoản tiền ngay khi nhập hàng và khoản chênh lệch do thuế chống bán phá giá tăng lên sẽ được truy thu từ khoản tiền đặt cọc này. Nhưng dù là tiền từ đâu, cũng có nghĩa giá tôm bán sang thị trường Mỹ tăng lên và tính cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam tại Mỹ sẽ thấp đi.
Hồi đầu năm nay, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã quyết định kéo dài thời gian áp thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam thêm 5 năm. Còn mức thuế phá giá áp cho từng khoảng thời gian cụ thể sẽ được phán quyết sau các đợt rà soát hành chính của Bộ Thương mại Mỹ.
Theo kế hoạch, Bộ Thương mại Mỹ sẽ tiến hành đợt rà soát hành chính tiếp theo thuế chống bán phá giá với tôm nhập khẩu từ Việt Nam vào năm 2018. Rất có thể, Bangladesh sẽ tiếp tục không được chọn làm quốc gia tham chiếu trong đợt rà soát tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!