Với những số liệu được công bố, có thể nói kinh tế năm 2020 đã hoàn thành khá tốt mục tiêu kép: kiểm soát dịch bệnh và duy trì tăng trưởng. Thanh khoản ngân hàng tăng, dòng vốn nước ngoài cũng đang có sự chuyển dịch. Theo ông Vũ Bằng (thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng), chính sách của Chính phủ hướng vào cầu nội địa cho thấy hướng đi đúng đắn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán.
"Đó là những cái làm cơ thể chúng ta có sức chống đỡ tốt hơn và việc chứng khoán hồi phục cũng có nguyên nhân của nó. Còn việc nó có ảo hay không cũng không nên giám sát chặt mà nên duy trì chính sách dòng tiền vào chứng khoán cũng như bất động sản không thắt hơn cũng không nới ra để tiếp tục theo dõi", ông Vũ Bằng nhận định.
Có thể nói kinh tế năm 2020 đã hoàn thành khá tốt mục tiêu kép: kiểm soát dịch bệnh và duy trì tăng trưởng. (Ảnh minh họa: TTXVN)
"Tôi có niềm tin vững chắc là lãi suất thấp và kéo dài, không chỉ năm 2021 mà có thể kéo dài đến 2025. Đây là trạng thái bình thường mới của lãi suất, không thể lên được nữa. Trong môi trường lãi suất thấp, thị trường trái phiếu của chúng ta vẫn chưa đủ lớn, chưa đủ mạnh, chưa nhiều hàng hóa để thành kênh hút tiền từ thị trường tiết kiệm", ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia Tư vấn đầu tư, cho hay.
Theo các chuyên gia, trái phiếu là một lựa chọn phù hợp với đại bộ phận người gửi tiết kiệm hơn là cổ phiếu vì độ rủi ro thấp hơn, cùng mức lợi tức cố định. Ngoài việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, việc giảm hay miễn thuế 5% khi đầu tư trái phiếu nên là giải pháp được tính đến để khuyến khích thị trường vốn.
Tính đến cuối năm 2020, tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán đạt khoảng 5,27 triệu tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay, chiếm hơn 83% GDP, vượt xa mục tiêu chiếm 70% GDP đề ra trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán năm 2020.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!