Hiện nay, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô của Việt Nam hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu tiêu thụ ở trong nước. Có nghĩa là cứ 3 ô tô được mua, tiêu thụ thì có 1 chiếc phải nhập khẩu. Trong khi đó, chi phí để sản xuất 1 chiếc ô tô trong nước hiện đang cao, vì ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành này vẫn còn hạn chế và gặp nhiều khó khăn.
Linh kiện nội địa hóa ô tô vừa ít, vừa đắt
Mỗi năm Tập đoàn Thành Công sản xuất hơn 80.000 xe ô tô cung ứng ra thị trường, thế nhưng trên 80% linh kiện vẫn phải nhập khẩu. Bởi các doanh nghiệp phụ trợ trong nước chỉ cung cấp được 1 vài linh kiện đơn giản, và giá thành vẫn còn cao.
Tọa đàm “Chính sách thuế và vai trò của Hải quan trong việc thúc đẩy công nghiệp ô tô”
“Doanh nghiệp hỗ trợ trong nước mới chỉ cung cấp được các linh kiện hàm lượng công nghệ thấp như cần gạt mưa, ắc quy, lốp, dây điện… còn ngoài ra các linh kiện khác thì phải nhập khẩu", ông Ngô Tiến Đạt Trưởng ban Kế hoạch Chiến lược TC Motor, Khối ô tô Tập đoàn Thành Công cho biết.
Điều đáng bàn là dù có sản xuất được 1 vài linh kiện đơn giản cho ô tô, nhưng giá bán các linh kiện nội địa này lại rất cao. Điển hình như 1 nắp bình xăng ô tô. Trong khi doanh nghiệp Thái Lan sản xuất và bán với giá 1,5 USD, doanh nghiệp của Việt Nam lại bán với giá 3,8 USD. Đây chỉ là 1 bộ phận rất nhỏ trong hàng nghìn kinh kiện khác nhau để có thể sản xuất 1 chiếc ô tô. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban chính sách, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam nhấn mạnh: “Chi phí sản xuất trong nước vẫn cao hơn từ 10-20% so với xe nhập khẩu, vì thế cạnh tranh với xe nhập ngoại là điều không đơn giản.”
Quy mô thị trường tiêu thụ còn nhỏ
Giá cao, khó cạnh tranh dẫn đến nhiều doanh nghiệp phụ trợ trong nước vẫn còn ngại ngần sản xuất linh kiện cho ô tô. Ngoài ra, linh kiện nội địa đắt 1 phần do sản lượng sản xuất và tiêu thụ tại Việt Nam vẫn còn thấp. Năm 2019, thị trường toàn quốc mới sản xuất và tiêu thụ được khoảng 400.000 xe.
Ông Bùi Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nhựa Hà Nội.
Ông Bùi Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nhựa Hà Nội khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng có ngân sách để đầu tư về máy móc làm linh kiện, tuy nhiên sản lượng đầu ra mang lại nó phải đủ giá trị khấu hao thì chúng tôi mới đầu tư. Còn hiện tại sản lượng ô tô tại Việt Nam chưa đủ để chúng tôi có thể đưa ra để 1 mức giá cạnh tranh.”
Một khó khăn nữa đó là các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô hiện nay khó có thể tham gia vào chuỗi cung ứng bởi chuỗi này đã được định hình bởi các doanh nghiệp uy tín, lâu năm trong ngành. Ông Ninh Hữu Chấn, Tổng thư ký các nhà sản xuất ô tô Việt Nam bày tỏ sự băn khoăn: “Khó có thể chen chân vào chuỗi cung ứng là nguyên nhân chính dẫn đến doanh nghiệp nội không mặn mà đầu vào sản xuất linh kiện, phụ tùng.” Hiện tỷ lệ nội địa hóa của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 15%.
Chính sách thuế ưu đãi để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô
Để hỗ trợ doanh nghiệp, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57 sửa đổi bổ sung Nghị định 122 về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi. Trong đó có quy định áp dụng mức thuế suất nhập khẩu 0% cho nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để gia công, lắp ráp, sản xuất ô tô cho giai đoạn 2020 - 2024. Điểm mới là không chỉ các doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp ô tô được thụ hưởng mà ngay cả các DN có nhập nguyên vật liệu về để gia công cũng được hưởng ưu đãi này. Các DN cũng không bị hạn chế số lượng xe đăng ký.
Bà Nguyễn Thu Trang, Phó trưởng phòng Chính sách thuế XNK, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính.
Có mặt tại buổi tọa đàm “Chính sách thuế và vai trò của Hải quan trong việc thúc đẩy công nghiệp ô tô” do báo Hải quan tổ chức vào ngày 3/11 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thu Trang, Phó trưởng phòng Chính sách thuế XNK, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết: “Với các dòng xe thân thiện với môi trường thì doanh nghiệp cứ đăng ký bao nhiêu thì được hoàn thuế bấy nhiêu trong 2 kỳ đầu. Sau 2 kỳ này mới căn cứ vào sản lượng chung và riêng đã đăng ký.”
Trước đó, nghị định 22 về áp dụng mức thuế suất 0% nhập khẩu cho linh kiện cũng đã giúp các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô của Việt Nam tiết kiệm được 9500 tỷ đồng, vì được hoàn thuế. Nghị định 57 cũng đang được kỳ vọng là sẽ giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô giảm bớt được chi phí, hạ giá thành linh kiện xuống, tạo ra sự cạnh tranh.
Đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để thúc đẩy tiêu thụ ô tô
Ngoài ưu đãi về thuế nhập khẩu, nhiều ý kiến cho rằng để tăng sản lượng tiêu thụ ô tô, giúp ngành công nghiệp phụ trợ có thể phát triển, thì rất cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Ông Bùi Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nhựa Hà Nội tâm sự “ Nhà nước cũng đã giảm 50% thuế trước bạ, nhưng đó là chỉ trong ngắn hạn. Còn dài hạn cần giảm bớt các loại thuế sau như thuế ra biển là 20 triệu cũng là cao. Thuế tiêu thụ đặc biệt còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Như vậy là 1 rào cản là người dân chưa sẵn sàng bỏ tiền ra để mua ô tô”.
Còn theo ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, ô tô đi lại là nhu cầu tất yếu của nhiều gia đình. Mặt hàng này không giống như thuốc lá hay rượu bia cần hạn chế tiêu thụ, mà ô tô là phương tiện cần thiết.
Ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
“Trong khi đó nhiều bộ, ngành cứ đưa ra các rào cản từ đăng kiểm đến thuế suất cao để hạn chế tiêu thụ. Việc tắc đường chỉ diễn ra ở 1 số đô thị, chứ không phải ở tất cả các tỉnh. Vì thế tôi nghĩ sắp tới nên giảm bớt thuế tiêu thụ đặc biệt để giá ô tô giảm đi thì sẽ nhiều người mua. Có như vậy mới thì năm 2025 mới bán ra được 1 triệu xe", ông Quang nhấn mạnh.
Cùng 1 loại xe, nhưng hiện giá bán 1 chiếc xe ô tô sản xuất trong nước đang cao hơn từ 10-20% so với xe nhập khẩu. Các chuyên gia dự báo, những ưu đãi về thuế nếu thực hiện được hết, sẽ giúp giá thành ô tô trong nước giảm thêm và ngang bằng với ô tô nhập khẩu, từ đó sức cạnh tranh sẽ được nâng lên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!