FPT, NTP, VNB… cùng hàng loạt doanh nghiệp nằm trong danh sách bán vốn của SCIC năm nay. Điều kiện thị trường được đánh giá tương đối thuận lợi. Nhưng còn thách thức nào trong quá trình bán vốn của SCIC? Quy định đấu giá cổ phần, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại… đâu là khó khăn cần sớm tháo gỡ?
Xung quanh các vấn đề trên, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Thưa ông, quan sát thị trường chúng tôi nhận thấy, có rất nhiều doanh nghiệp SCIC dự kiến bán phần vốn nhà nước mà các nhà đầu tư rất quan tâm, như FPT, Nhựa Tiền Phong (NTP)… Ông có thể chia sẻ điều kiện thuận lợi để bán vốn tại các doanh nghiệp này trong thời gian tới?
Ông Lê Thanh Tuấn: Trong thời gian qua chúng tôi đã tiếp xúc với rất nhiều các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư, các quỹ đầu tư quốc gia đến từ khu vực vùng Vịnh. Họ cũng bày tỏ sự quan tâm rất lớn đến việc thoái vốn của SCIC trong thời gian tới. Về điều kiện thị trường, chúng ta cũng đang chuẩn bị những bước cuối cùng để được nâng hạng lên thị trường mới nổi, việc này cũng sẽ thu hút nguồn vốn mới vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Chúng tôi hi vọng nguồn cầu rất khả quan trong thời gian tới.
Ông Lê Thanh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Ông có thể chia sẻ một chút về những khó khăn trong quá trình bán vốn của SCIC trong thời gian còn lại của năm 2024 và các năm tiếp theo?
Ông Lê Thanh Tuấn: Các quy định thoái vốn cổ phần hóa của chúng ta hiện nay có nhiều điểm chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Khi trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài thì chúng tôi nhận thấy, trước khi mua cổ phần họ muốn khảo sát sâu về tình hình doanh nghiệp, có những trao đổi trực tiếp và đàm phán giá mua theo hình thức thỏa thuận, đồng thời ký các thỏa thuận cổ đông trước khi tiến hành mua, bán doanh nghiệp để giảm thiểu rủi ro sau khi tiếp quản.
Trong khi đó quy định của mình hiện nay là thiên về đấu giá, bản công bố thông tin thì có rất nhiều thông tin yêu cầu nhưng những thông tin thực chất nhà đầu tư nước ngoài quan tâm thì lại chưa được công bố đầy đủ.
Để khắc phục những khó khăn đó, SCIC có đề xuất giải pháp như thế nào?
Ông Lê Thanh Tuấn: Phương thức bán cổ phần gần với thông lệ quốc tế là ghi sổ, dựng sổ… nhưng trên thực tế thì được áp dụng rất ít. Tôi nghĩ chúng ta nên có những đánh giá, vì sao phương thức này chưa được áp dụng rộng rãi trên thị trường chứng khoán Việt Nam, mặc dù đây cũng là phương thức phù hợp với các quy định quốc tế.
Ngoài ra một số quy định cũng cần được xem xét điều chỉnh, ví dụ với những doanh nghiệp đã niêm yết thì cho phép được mua bán luôn theo giá thị trường, bởi nếu chúng ta quy định mua, bán phải định giá thì công việc định giá này sẽ phải tiến hành rất lâu và nhiều khi nó làm chúng ta lỡ mất cơ hội thị trường.
Xin cảm ơn ông!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!