Cho đến nay, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức từ các nhà tài trợ nước ngoài, hay còn gọi là ODA với lãi suất thấp, thời gian vay dài vẫn là chỗ dựa quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Lượng vốn ODA giải ngân những năm qua luôn chiếm trên 50% tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, do Việt Nam đã thoát ra khỏi nhóm nước thu nhập thấp trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình nên nguồn vốn này đang ngày càng giảm đi.
Anh, Bỉ, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Tây Ban Nha và rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác đã dừng hoặc giảm dần cung cấp ODA cho Việt Nam. Đặc biệt, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) - hai tổ chức cung cấp ODA hàng đầu cho Việt Nam - cũng đưa ra dự liệu thời điểm dừng vốn ODA. Ngay từ năm nay, WB đã chấm dứt cung cấp vốn vay ODA cho Việt Nam, còn ADB sẽ dừng cung cấp vốn vay ODA trong 1 hoặc 2 năm sau đó. Không chỉ giảm ODA mà các điều khoản vay cũng sẽ chặt chẽ hơn rất nhiều khi đa phần các khoản vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% - 3,5%/năm.
Trong bối cảnh đó, nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế vẫn tiếp tục tăng cao. Nhìn vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016 - 2020 có thể thấy điều này.
Trong 5 năm tới, Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng GDP 6,5 - 7%/năm. Để có mức tăng đó, dự tính tổng mức huy động vốn toàn xã hội cho đầu tư vào khoảng 32 - 34% GDP. Mức này tương đương 10 triệu tỷ đồng mỗi năm, tức khoảng 430 tỷ USD. Theo dự thảo Đề án tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán dự kiến cơ cấu vốn cho thời kỳ này gồm 75% vốn trong nước và 25% vốn ngước ngoài. Như vậy, vốn nước ngoài bao gồm FDI dự kiến khoảng 68 tỷ USD, ODA và vốn vay ưu đãi vào khoảng 40 tỷ USD.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!