Nền kinh tế không tiền mặt tại Đông Nam Á

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 24/08/2017 18:44 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn -Singapore, Malaysia, Thái Lan đều là các quốc gia có tỷ lệ thanh toán điện tử cao 80%-90%. Trong khi đó, Indonesia hiện cũng đã đạt tỷ lệ 42% giao dịch không dùng tiền mặt.

Một nền kinh tế không tiền mặt là khái niệm đã được biết đến rộng rãi trên thế giới. Các nước ASEAN đang đi đến đâu trên con đường này.

SINGAPORE: Thanh toán điện tử chiếm 90%

Singapore luôn được biết tới với danh hiệu quốc gia thông minh. Mọi sáng kiến về kinh tế số, thương mại điện tử của Singapore đều đi đầu trong khu vực.

Mới đây nhất, Singapore có một bước tiến gần hơn tới nền kinh tế không tiền mặt, đó là việc triển khai hệ thống PayNow, một dạng thanh toán tiền nhanh chóng chỉ yêu cầu số điện thoại hoặc số chứng minh nhân dân. Người dùng cần đồng bộ hóa số điện thoại và số chứng minh thư với tài khoản ngân hàng.

Theo số liệu của Master Card toàn cầu, Singapore là 1 trong 3 quốc gia có tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt cao nhất thế giới và đang đi trước châu Âu 5 tới 10 năm về thanh toán điện tử.

MALAYSIA: Thanh toán điện tử chiếm 80%

Trong một khảo sát năm 2016 của Visa, 74% người Malaysia cho thấy họ đang dần không còn phụ thuộc vào tiền mặt và ưa chuộng sử dụng các giao dịch điện tử hơn.

Ngân hàng Trung ương Malaysia đặt tầm nhìn thúc đẩy Malaysia trở thành một quốc gia 100% không tiền mặt vào năm 2020, tiết kiệm được một khoản bằng 1% GDP quốc gia.

Để đạt mục tiêu này, chính phủ Malaysia đã đưa ra những biện pháp rất cụ thể như đơn giản hóa việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, gia tăng những giải pháp thanh toán điện tử, đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ. Malaysia từ lâu đã có chính sách giảm phí cho các giao dịch trực tuyến, thanh toán điện tử.

THÁI LAN: Thanh toán điện tử chiếm 80%

Để hướng tới một nền kinh tế không tiền mặt, Thái Lan năm 2016 đã triển khai một hệ thống thanh toán điện tử đồng bộ do chính phủ hỗ trợ. Kế hoạch này được triển khai làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, áp dụng dịch vụ chuyển tiền điện tử PromptPay ở toàn bộ các ngân hàng lớn của Thái Lan. Giai đoạn 2, áp dụng thanh toán điện tử với toàn bộ các hoạt động thương mại và dịch vụ, từ thuế thu nhập cho tới các dịch vụ phúc lợi khác.

INDONESIA: Thanh toán điện tử chiếm 42%

Từ năm 2015, chính phủ Indonesia đã triển khai chiến dịch Tầm nhìn số hóa 2020 để thúc đẩy nền kinh tế số của đất nước. Số liệu từ Ngân hàng Trung ương Indonesia cho thấy trong năm 2016, số giao dịch điện tử đã chiếm 42% tổng giao dịch toàn quốc, tăng đáng kể so với con số 28% của năm 2015. Tuy nhiên, tỷ lệ phổ cập Internet ở Indonesia hiện chỉ ở mức 20%, trong khi ở Malaysia là gần 70%.

Rất nhiều sáng kiến đã được đưa ra để thúc đẩy Indonesia tiến tới một xã hội không tiền mặt, ví dụ như cắt giảm phí khi thanh toán điện tử, hỗ trợ phát triển các hệ sinh thái thương mại điện tử từ cấp địa phương, tăng cường các nỗ lực an ninh mạng…

Tổng hợp vừa rồi đã cho thấy thanh toán điện tử đang trở nên rất phổ biến, thậm chí ở Singapore hay Malaysia, Thái Lan, việc sử dụng tiền mặt chỉ chiếm có 10% -20% tổng giao dịch.

Tuy nhiên, hướng tới một xã hội không tiền mặt là xu thế không chỉ ở các nước Đông Nam Á. Ví như ở Thụy Điển, chưa đến 2% tổng các giao dịch được thực hiện bằng tiền mặt.

Alipay - một công ty con của Alibaba - cho biết sẽ góp phần cùng các nền tảng thanh toán điện tử khác để đưa Trung Quốc trở thành quốc gia không tiền mặt trong 5 năm nữa. Điều đó cho thấy các nước Đông Nam Á vẫn cần phải tăng tốc để bắt kịp các nước khác trên con đường xây dựng nền kinh tế không tiền mặt.

Thanh toán điện tử hè phố - Minh chứng sinh động cho xã hội ít dùng tiền mặt Thanh toán điện tử hè phố - Minh chứng sinh động cho xã hội ít dùng tiền mặt Bùng nổ thanh toán điện tử tại Trung Quốc Bùng nổ thanh toán điện tử tại Trung Quốc Thanh toán điện tử lên ngôi, tiền mặt sắp đi vào dĩ vãng? Thanh toán điện tử lên ngôi, tiền mặt sắp đi vào dĩ vãng?

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước