Khác với thị trường Mỹ, tại thị trường châu Âu, dầu của Nga đang chiếm tới 25% thị phần. Vậy nếu lệnh cấm được ban hành, câu chuyện giá dầu sẽ đi về đâu?
Giá dầu liên tục tăng khi căng thẳng Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, châu Âu lại tính chuyện cấm dầu xuất khẩu của Nga. "Cơn bão" giá dầu đang hình thành ở phía trước.
Giá dầu liên tục tăng khi căng thẳng Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. (Ảnh minh họa - Ảnh: istock)
Marketwatch trích phát biểu của Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo rằng giá dầu thậm chí có thể lên tới 300 USD/thùng nếu thế giới quay lưng với nguồn cung từ Nga.
Michael Lynch, Chủ tịch tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Năng lượng Mỹ cho rằng thậm chí Nga đã tìm được đối tác mới thay thế, lượng dầu hụt đi khó có thể được mua hết. Giá dầu chắc chắn sẽ còn tăng và mức giá 150 USD/thùng là dễ xảy ra trong vài tuần.
Chuyên trang Barrons trích dự báo của JPMorgan cho rằng dầu Brent biển Bắc có thể tăng lên 185 USD/thùng cũng là không bất ngờ.
Theo bài báo, một bên là nguồn cung bị cấm, một bên nhu cầu vẫn gia tăng khiến giá dầu Brent tiêu chuẩn châu Âu đã tăng gần 80% giá trị chỉ trong 52 tuần. Nếu kịch bản nguồn cung từ Nga bị cấm hoàn toàn, dầu Brent có thể kết thúc năm 2022 với giá 185 USD/thùng.
Các báo Mỹ đánh giá, ngành năng lượng đang đóng góp 1/5 vào tăng trưởng kinh tế Nga, trong đó 1/2 dầu thô của Nga xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa, để cắt nguồn dầu từ Nga, châu Âu phải có nguồn thay thế lớn khẩn cấp.
Bloomberg nhận định bất cứ kịch bản nào làm giảm nguồn cung từ nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, Nga, sẽ tạo nên tác động rất lớn tới thị trường toàn cầu vốn đã bị thắt chặt. Các bản đồ nguồn cung cho thấy hầu hết các nước đông Âu phụ thuộc một nửa nguồn dầu nhập từ Nga. 6 nhà máy lọc dầu ở khắp châu lục này cũng vậy. Ngoài ra là các phụ phẩm khác như hỗn hợp hydrocarbon, dầu nguyên liệu…
Còn Nga, khi các đường ống sang châu Âu tạm dừng, các thùng dầu của nước này sẽ phải đi quãng đường xa hơn từ biển Baltic, biển Đen qua châu Âu để đến được châu Á.
Nhật báo phố Wall đánh giá, cấm vận từ EU không chỉ gây khó về nguồn cung cho châu Âu, mà còn cho thị trường toàn cầu. Các nhà phân tích cho biết, lệnh cấm có thể lấy đi 3 triệu thùng dầu một ngày khỏi thị trường toàn cầu. Thị trường này vốn đang "eo hẹp" chỉ có khoảng 100 triệu thùng một ngày để tiêu thụ.
Hai tuần trước, Mỹ cấm nhập khẩu dầu từ Nga dù thị phần chỉ chiếm 8%. Tuy nhiên, dù đã mở kho dầu dự trữ, giá dầu WTI của Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Còn xăng tiêu dùng được dự báo có thể vượt mốc giá trung bình 5 USD/gallons, một mức giá cao, gần đây nhất là trong cuộc khủng hoảng năm 2008.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!