Ấn Độ, Trung Quốc tăng mua dầu từ Nga
Câu chuyện về thùng dầu và sự chi phối với kinh tế thế giới luôn là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Chiến sự tại Ukraine đã bước sang tháng thứ 6 nhưng chưa có dấu hiệu dừng lại. Các đòn "ăn miếng trả miếng" về kinh tế giữa Nga và phương Tây đã và đang tạo ra một cuộc chiến giá dầu, từ đó vẽ lại bản đồ năng lượng.
Nhiều trang báo quốc tế ví von, châu Á đang ngập trong dầu giá rẻ từ Nga. Có vẻ như Nga đang hướng trọng tâm "vòi rót dầu" sang châu Á. Liệu Moskva va có đang muốn vẽ lại bản đồ năng lượng thế giới? Chỉ biết rằng, Nga đã vượt Saudi Arabia để lần đầu tiên trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Ấn Độ và Trung Quốc - hai quốc gia đông dân nhất nhì thế giới.
Các nhà máy lọc dầu Ấn Độ cho biết dầu thô của Nga là lựa chọn phù hợp nhất, có giá rẻ nhất trong bối cảnh giá dầu liên tục biến động. Theo dữ liệu của chính phủ nước này, trong quý II, nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ đã lên tới 47,5 tỷ USD khi nhu cầu năng lượng phục hồi.
Trong khi đó, tại Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, lượng dầu mua từ Nga đã tăng 55% so với một năm trước, tương đương gần 2 triệu thùng/ngày
Ấn Độ, Trung Quốc đang tăng mua dầu từ Nga. Ảnh minh họa.
Dầu Nga tăng nhanh thị phần nhờ mức giá "mềm"
Nhờ mức giá "mềm", dầu Nga đang tăng nhanh thị phần và giành được miếng bánh lớn hơn so với Saudi Arabia - dù đây là đối tác lớn nhất trong OPEC+.
Theo chuyên trang Expert.ru, dầu Nga đã đạt được thành công đáng kinh ngạc tại thị trường Ấn Độ nhờ siêu giảm giá. Quốc gia Nam Á này cần nhập khẩu tới 85% lượng dầu tiêu thụ và nguồn cung rẻ sẽ giúp giảm sức ép tài chính trong bối cảnh lạm phát tăng tốc và thâm hụt thương mại kỷ lục.
Vào tháng 6, Moskva bán dầu cho Ấn Độ với mức giá trung bình 102 USD/thùng, chênh lệch 13 USD so với Riyadh. Xuất khẩu dầu Nga sang Ấn Độ trong tháng 6 đã tăng 10 lần so với tháng 3 năm nay. Nga cũng đã trở thành nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho Trung Quốc trong quý II với mức chiết khấu, lên tới 20 - 30% giá thành.
Saudi Arabia tăng giá bán dầu
Một thông tin rất được chú ý trên thị trường năng lượng đó là tuần qua ngay sau khi OPEC+ tăng nhẹ sản lượng thì Saudi Arabia lại tăng giá bán dầu hợp đồng tương lai tháng 9 cho các đối tác châu Á lên mức kỷ lục.
Nhìn bề ngoài giá dầu của Saudi Arabia xuất sang châu Á đã tiếp tục tăng trong tháng 9 nhưng cũng cần thấy các đánh giá trước đây còn cho rằng giá dầu Saudi Arabia bán cho châu Á trong tháng 9 sẽ tăng tới 1,5 USD/thùng, cuối cùng hiện chỉ còn tăng 50 cent, tức thấp hơn nhiều các dự báo. Điều này phần nào cho thấy Saudi Arabia đang cảm nhận rõ sức ép cạnh tranh từ những dòng dầu giá rẻ hơn từ Nga.
Hồi tháng 5 năm nay, giá dầu Nga xuất sang châu Á thấp hơn dầu Saudi Arabia 9 USD/thùng, thì nay mức chênh lệch đã lên tới 13 USD/thùng. Đây thực tế cũng là điều mà Saudi Arabia cùng các nước Vùng Vịnh đã lo ngại ngay từ đầu khi Nga vướng vào các lệnh cấm vận của phương Tây.
Họ sợ rằng Nga sẽ bán dầu phá giá để rồi cuối cùng thế giới sẽ hình thành tới 2 thị trường dầu: Một thị trường vẫn được định giá dựa trên các mức tiêu chuẩn quen thuộc như giá dầu Brent hay WTI và một thị trường tràn ngập dầu giá rẻ của Nga.
Nga thì giảm giá, Saudi Arabia lại tăng giá bán dầu. Ảnh minh họa.
Nhiều người cho rằng, nếu Moskva và OPEC mà không có thỏa thuận, giá dầu từ Nga sẽ còn rẻ hơn nhiều, tức giá dầu sẽ cũng khó có thể hạ quá nhiều dù đang có sự cạnh tranh. Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh được cho tới đây sẽ chuyển các dòng dầu xuất khẩu của mình sang châu Âu khi dầu Nga chuyển thị trường sang châu Á.
Châu Á là phần quan trọng bậc nhất trên bản đồ năng lượng mới của Nga. Nhưng Moskva dường như đã tìm được thêm được một tuyến đường mới để đưa dầu của mình đến các thị trường tiềm năng. Theo phản ánh từ báo chí Phương Tây, đó là lộ trình quá cảnh qua Ai Cập.
Báo chí Nga dẫn nguồn tin từ Bloomberg, trong ngày 24/7, một lô hàng gồm 700.000 thùng dầu có xuất xứ từ Nga đã được chuyển tới cảng El Hamra của Ai Cập. Sau đó chỉ vào giờ, toàn bộ số dầu này được di chuyển lên một tàu chở hàng khác, điểm đến của chuyến tàu này vô cùng khó nắm bắt.
Việc sử dụng các cảng địa phương ở Ai Cập làm trung gian được cho là một xu hướng mới của nhiên liệu Nga. Trước đây, các tàu chở dầu thô của Nga đã tiến hành vận chuyển hàng hóa từ tàu sang tàu ngoài khơi của Tây Ban Nha và gần đây là ở giữa Đại Tây Dương.
Trước đó, dữ liệu từ công ty phân tích Vortex cũng cho thấy một lượng dầu kỷ lục với 62 triệu thùng dầu Urals của Nga nằm trên các tàu chở dầu trên biển. Và thực tế có đến 60% lượng dầu từ Nga được xuất khẩu qua con đường này.
Vào cuối tháng 7, EU đã đưa ra một ngoại lệ trong các lệnh trừng phạt đối với Nga về dầu mỏ, chấp nhận dầu bán qua các nước thứ 3 và điều chỉnh thanh toán với dầu Nga qua đường biển. Điều quan trọng với Nga lúc này là dầu được bán, doanh thu đến vì có ai đó trả tiền.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!