Ngân hàng cạn "room", doanh nghiệp "đói" vốn

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 16/08/2022 20:55 GMT+7

VTV.vn - Sau thời gian cấp tập cho vay đầu năm, đến nay, nhiều ngân hàng đã cạn hạn mức này nên buộc phải hạn chế cho vay mới.

Nếu so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đề ra cho cả năm, thì trong 7 tháng qua đã dùng hết 9,42% hạn mức, tức là dư địa từ nay đến cuối năm còn khoảng gần 4,6%, tương đương quy mô khoảng 478.000 tỷ đồng.

Ngoài cho vay thông thường, ngân hàng còn phải cân đối khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ để giảm 2% lãi suất theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Như vậy, nếu thực hiện thì tín dụng có thể vượt giới hạn 14% nên khó càng thêm khó. Ngược lại, chính năng lực của doanh nghiệp cũng bộc lộ nhiều hạn chế khó được giải ngân.

Một chiếc xe phổ thông chạy taxi nếu mua mới thời điểm này đang đắt thêm 20 - 30 triệu đồng do khan hiếm linh kiện lắp ráp. Nguồn lực hiện nay đã bị bào mòn khá nhiều sau dịch bệnh, nên gần như doanh nghiệp không mua thêm xe mới.

Ngân hàng cạn room, doanh nghiệp đói vốn - Ảnh 1.

Hiện nhiều ngân hàng đã cạn hạn mức cho vay. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Chưa kể có đơn vị đã bán nhiều xe để cắt lỗ. Không có xe thì không tăng được nguồn thu, như vậy ngân hàng khó có cơ sở cho vay vốn.

"Chưa đầu tư được phương tiện nên chưa chạm được vào gói hỗ trợ này. Chúng tôi chỉ mong mỏi tiếp tục gia hạn cơ cấu nợ, chậm nộp thuế, bảo hiểm không tính lãi", ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, nói.

Còn với trường hợp đủ điều kiện vay, mới đây, một số doanh nghiệp nhận thông báo tăng lãi suất từ đầu tháng 8 hoặc giảm lượng vốn cho vay.

"Trước đây chúng tôi vay 4,5% và 4,8%, bây giờ tăng lên 6,2%/năm", ông Chu Hoàng Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Ngãi Cầu, cho biết.

Hiện số ngày phải chờ đợi thẩm định giải ngân cũng dài hơn. Theo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, một nửa số thành viên có tình hình kinh doanh chịu biến động của thế giới, nên thủ tục xét duyệt vay vốn cũng kéo dài nhiều ngày thay vì 1 - 2 ngày như trước.

Ôn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát là ưu tiên số 1

Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra thông điệp sẽ vẫn giữ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%. Tại sao cơ quan điều hành chính sách tiền tệ lại giữ nguyên mức cung tiền này, trong khi sức hấp thụ về vốn và mức độ phục hồi của nền kinh tế đang khá tốt? Khi nguồn vốn tín dụng không được nới rộng hơn, các nguồn vốn, nguồn lực cho phát triển và tăng trưởng cần được mở rộng hơn.

Duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát là ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh hiện nay.

"Thách thức từ bên ngoài rất lớn, lạm phát cao, giá trị đồng tiền của các ngân hàng trung ương lớn đang tăng mạnh. Với quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm nay, tôi cho rằng đây là mức hợp lý", ông Đỗ Bảo Ngọc, Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết, đánh giá.

Tuy nhiên, còn một lý do nữa để cơ quan điều hành chính sách tiền tệ thận trọng và giữ nguyên định hướng tăng tín dụng cho cả năm là 14%. Vì hiện nay, mức huy động tiền gửi và cho vay của các ngân hàng thương mại đang có nhiều chênh lệch. Trong khi mức huy động tiền gửi là 5,4%, nhưng cho vay ra là 9,4%. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ có nhiều hệ lụy.

"Nhiều ngân hàng đang có vẻ đẩy lãi suất lên. Với 2 lý do là nợ xấu thu hồi về đang rất chậm, nguồn tiền cũ đi mà không quay trở lại để tiếp tục đưa vào hệ thống tín dụng mới. Thứ hai là hầu hết các ngân hàng thương mại huy động được 10 đồng thì cho vay gần như 9,5 đồng", ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho biết.

Khi chính sách tiền tệ được điều hành thận trọng, mức tăng tín dụng cũng không được nới rộng cũng là lúc các nguồn vốn, nguồn lực khác cần được đẩy mạnh và phát huy hơn.

"Vốn tín dụng hiện nay chỉ chiếm khoảng 50% tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, còn lại 50% nguồn vốn khác chúng ta cũng phải đa dạng hóa và quan tâm. Thứ nhất là nguồn vốn phát hành trái phiếu; thứ hai là thu hút FDI; thứ ba là nguồn vốn đầu tư tư nhân", TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ, nhận định.

Với mức tăng 14%, từ nay đến cuối năm vẫn còn khoảng gần 500.000 tỷ đồng nữa được hệ thống ngân hàng đưa ra nền kinh tế nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng. 

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, thời gian tới sẽ rà soát, điều chỉnh nốt phần tăng trưởng tín dụng của dữ liệu 14% còn lại. Đồng thời, cơ quan này cũng tiếp tục theo dõi diễn biến lạm phát để phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ đạt những mục tiêu đề ra. 


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước