Chính sách điều hành lãi suất cơ bản và tỷ giá của Việt Nam đã đủ linh hoạt hay chưa, trong bối cảnh nới lỏng chính sách tiền tệ là xu hướng chung đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới? Đây là một trong những câu hỏi đặt ra tại buổi họp báo sáng nay của Ngân hàng Nhà nước. Đại diện Ngân hàng nhà nước đã đưa ra lý giải cụ thể.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đồng Nhân dân tệ xuống giá có tác động trực tiếp tới xuất nhập khẩu của Việt Nam, liệu chính sách tỷ giá của Việt Nam đã đủ linh hoạt chưa? Băn khoăn bên lề cuộc họp đã được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thẳng thắn chia sẻ với báo chí: "Không thể lấy tỷ giá để làm công cụ chỉ thúc đẩy xuất khẩu, bởi nhập khẩu cũng là vấn đề rất lớn. Nhiều trường hợp xuất khẩu nhưng chúng ta lại nhập nguyên liệu về là chính. Câu chuyện đó cũng không phải đơn giản nếu chỉ nghĩ một chiều rằng tại sao không phá giá".
Trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương liên tục cắt giảm lãi suất, mới đây Ngân hàng Nhà nước cũng đã giảm 0,25%/năm đối với các lãi suất điều hành. Cân bằng lợi ích giữa người vay tiền và người gửi tiền, lợi ích các ngân hàng thương mại, hay chỉ số lạm phát luôn là thách thức đặt ra đối với cơ quan quản lý.
Tới cuối tháng 9, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,64% so với cuối năm 2018, vẫn còn khá nhiều dư địa so với mức định hướng cả năm là tăng khoảng 14%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!