Mỗi năm lại có 1 triệu người Nhật Bản qua đời. Điều này đồng nghĩa với việc, các ngân hàng Nhật không chỉ mất đi những khách hàng trung thành, mà còn đứng trước nguy cơ mất cả số tiền tiết kiệm họ đang gửi.
Nguyên nhân là do những người thừa kế có xu hướng chuyển đến những thành phố lớn sinh sống và mang theo số tiền thừa kế của mình - nơi vốn đã là địa bàn của những ngân hàng lớn.
Trung bình mỗi năm, khối tài sản thừa kế này có tổng giá trị ước tính lên đến 50.000 tỷ Yen, tức khoảng 450 tỷ USD và hiện đang chiếm tới 60% quỹ của giới ngân hàng nhỏ. Không thể để mất thị phần ít ỏi của mình, giới ngân hàng địa phương của Nhật đã tung ra một sản phẩm mới nhằm giữ chân khách hàng và tiền gửi của thế hệ con cháu họ.
Đó là các quỹ tín thác thừa kế. Dịch vụ này cho phép mở tài sản thừa kế sau khi chủ sở hữu qua đời và ngân hàng nhanh chóng thiết lập quan hệ với người thừa kế. Chủ sở hữu có thể chọn phương án trao toàn bộ số tiền ngay lập tức cho người thừa kế, hoặc phân bổ dần theo thời gian. Còn người thừa kế cũng có thể ngay lập tức sử dụng nguồn tiền để trang trải chi phí tang lễ.
Sau 10 năm phát triển, dịch vụ này đang ngày càng trở nên phổ biến. Tính đến cuối năm 2017, đã có tổng cộng 150.000 quỹ trên khắp Nhật Bản.
Tuy nhiên cuộc chiến sinh tồn vẫn vô cùng khốc liệt, khi chỉ 1/5 các ngân hàng địa phương tại Nhật được cấp quyền thành lập các quỹ tín thác này. Số còn lại không còn cách nào khác ngoài việc hợp tác để bán thuê sản phẩm cho các ngân hàng lớn hơn. Đó là nguyên nhân mà mỗi năm, hơn 30.000 tỷ Yên Nhật vẫn chảy về kho của các nhà băng tại Tokyo sầm uất.
Tài sản thừa kế hóa ra không chỉ là câu chuyện trong mỗi gia đình, mà còn là đường chạy đua của các ngân hàng nhỏ tại Nhật để tự cứu lấy mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!