Thực tế, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của nhiều ngân hàng đang có xu hướng tăng cao hơn trong thời gian qua.
Có gần 13.000 tỷ đồng lợi nhuận trong nửa đầu năm, ngân hàng VietinBank đã dành một phần không nhỏ trong đó để dự phòng cho các khoản nợ. Cứ cho vay ra 100 đồng nợ xấu, ngân hàng lại để 110 đồng dự phòng bao phủ, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động.
"Quan điểm của VietinBank là phải gắn chặt tăng trưởng phát triển với quản trị rủi ro. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu là 110%, cuối năm dự kiến lên tới 180% nên chất lượng nợ đang ở mức tốt", Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam VietinBank Lê Đức Thọ cho biết.
Thống kê kết quả của 25 ngân hàng niêm yết, tỷ lệ bao phủ nợ xấu bình quân tăng từ 103% lên 110% vào cuối quý I, thậm chí có ngân hàng tỷ lệ này đạt trên 200%.
Những khó khăn từ dịch COVID-19 làm tăng nguy cơ nợ khó đòi cho các ngân hàng thương mại. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Để kiểm soát nợ xấu, các ngân hàng cũng chủ động xử lý, riêng SHB đã thu hồi được 3.000 tỷ đồng nợ xấu trong nửa đầu năm, đạt hơn 50% kế hoạch.
Tuy nhiên, để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, các chuyên gia cho rằng cần tháo gỡ những vướng mắc hiện nay liên quan tới việc thẩm định giá tài sản đảm bảo, bởi 65% tài sản đảm bảo vẫn là bất động sản.
"Quy định về khoanh vùng địa bàn, một số địa phương chỉ cho phép tổ chức này thẩm định giá tài sản đảm bảo ở địa bàn này, không cho địa phương khác vào cuộc thẩm định giá, dẫn tới một số nơi thiếu doanh nghiệp có năng lực, nên dù địa phương có nhiều nợ xấu nhưng không được thẩm định giá kịp thời", ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho hay.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, những khó khăn từ dịch COVID-19 làm tăng nguy cơ nợ khó đòi cho các ngân hàng thương mại. Vì vậy, các ngân hàng phải chủ động rà soát, kể cả những khoản nợ được tái cơ cấu, chưa chuyển nhóm, nhưng cũng cần trích lập dự phòng nhằm hạn chế rủi ro sau này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!