Ngân hàng Thế giới: Kinh tế Việt Nam chịu sức ép từ bất ổn toàn cầu

Trung tâm Tin Tức VTV24-Thứ tư, ngày 12/12/2018 06:00 GMT+7

VTV.vn - Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ giảm tốc dần, xuống còn 6,6% năm 2019 và tiếp tục lùi về 6,5% năm 2020.

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2018 ở mức 6,8%, cao hơn con số 6,3% dự báo cho các nền kinh tế thị trường mới nổi ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Tuy nhiên, đây cũng là mức khiêm tốn hơn so với mức tăng 9 tháng đầu năm là 7%. Cũng theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ giảm tốc dần, xuống còn 6,6% năm 2019 và tiếp tục lùi về 6,5% năm 2020. Tại sao lại như vậy - đây là câu hỏi được đặt ra trong cuộc họp báo tại Ngân hàng Thế giới chiều 11/12.

Trong bối cảnh tăng trưởng GDP toàn cầu dự báo giảm, chỉ số quản trị mua hàng toàn cầu giảm, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ khiến kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng.

"Việt Nam có thể hưởng lợi ít nhiều từ việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư trong bối cảnh cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, chúng tôi đã chạy nhiều mô hình dự báo và trong tất cả những mô hình này, những tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu, bao bồm cả kinh tế Việt Nam sẽ nhiều hơn so với những lợi ích có được", ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - cho hay.

Trong vòng 3 năm qua, Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong khu vực ASEAN-6, vốn FDI thực hiện tăng đều. Tuy nhiên, cũng chính vì độ mở cao của nền kinh tế, trong bối cảnh hiện nay, áp lực ngày càng gia tăng lên tỷ giá.

Ông Sebastian Eckardt nói: "Áp lực tỷ giá tới từ việc đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc bị phá giá mạnh vào giữa tháng 6. Kể từ đó, tỷ giá thương mại vẫn dao động ở mức kịch trần khung tỷ giá trung tâm".

Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam, trọng tâm trong báo cáo lần này của Ngân hàng Thế giới hướng tới những đề xuất cải thiện các hàng rào phi thuế quan bởi dù mức thuế ưu đãi bình quân của Việt Nam đã giảm từ 13,1% xuống còn 6,3% nhưng số lượng các biện pháp phi thuế quan lại tăng hơn 20 lần.

Ông Phạm Minh Đức - Chuyên gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói: "Nếu áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế với các biện pháp phi thuế quan, các mục tiêu chính sách của chúng ta sẽ rõ ràng hơn, chính sách bảo vệ người tiêu dùng trong nước hoặc chính sách bảo hộ sản xuất trong nước đều minh bạch theo tiêu chuẩn WTO".

Ngân hàng Thế giới cũng khuyến cáo, để tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần thúc đẩy cải thiện về chất như quá trình xử lý nợ xấu, hay tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp Nhà nước bởi để đi đường dài, nâng cao hiệu quả của bộ máy là ưu tiên hàng đầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước