Ngân hàng tìm cách tăng trưởng tín dụng

Đình Hải-Thứ năm, ngày 18/04/2013 17:47 GMT+7

Ảnh: VTV

 Sau thời gian tập trung xử lý nợ xấu, một số ngân hàng quay lại với bài toán tăng trưởng tín dụng để đảm bảo mục tiêu doanh số, khơi thông dòng vốn ứ đọng lâu nay.

Để có được tăng trưởng tín dụng trên 11% trong quý I, ngân hàng Tiên Phong đã thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất và các gói vay tín dụng ưu đãi, kể cả việc chủ động điều chỉnh lãi suất cho các khách hàng vay trước đây.

Chất lượng tín dụng là mối quan tâm số 1 của ngân hàng song để khơi thông nguồn vốn lớn bị dồn ứ, ngân hàng đã triển khai linh hoạt hơn các điều kiện bảo đảm tín dụng đặc biệt là với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc ngân hàng Tiên Phong cho biết: “Chúng tôi sẽ tập trung vào việc thẩm định khách hàng để đảm bảo khách hàng hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Có dòng tiền trả nợ hơn là phải có nhiều tải sản đảm bảo hay bất động sản đảm bảo như trước”.

Công ty đầu tư phát triển N&G đang triển khai dự án một khu công nghiệp ở phía Nam Hà Nội. Mặc dù không còn tài sản thế chấp thêm nhưng công ty này vừa được giải ngân khoản vay 150 tỷ đồng.

Phía ngân hàng đã linh hoạt căn cứ vào những hợp đồng mà doanh nghiệp ký kết với các đối tác đầu tư vào khu công nghiệp để cấp tín dụng. Việc hỗ trợ nguồn vốn giá rẻ mang lại nhiều lợi thế cho cả hai phía là ngân hàng và doanh nghiệp.

Ông Hoàng Minh Ngọc, Phó Giám đốc công ty đầu tư phát riển N&G chia sẻ: “Ngân hàng hạ lãi suất cũng như hạ điều kiện đảm bảo tín dụng xuống như cú hích thúc đẩy sự phát triển của cả hai bên”.

Các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay ra bằng các gói kích cầu và thực hiện giảm lãi suất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hạ lãi suất và nới lỏng tín dụng chỉ là điều kiện, về lâu dài cần có thêm sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc bảo lãnh tín dụng, vừa góp phần giúp các doanh nghiệp sản xuất thoát khỏi khó khăn vừa có tác dụng kiểm soát nợ xấu.

Tiến sỹ Nguyễn Chí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết: “Các chính quyền nên tăng cường giúp các doanh nghiệp bằng cách bảo lãnh các tín dụng cho ngân hàng. Tức là, ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay, Chính phủ qua các đơn vị sẽ bảo lãnh tín dụng cho ngân hàng. Trong trường hợp doanh nghiệp không trả được vốn vay cho ngân hàng thì Chính phủ bảo lãnh vốn đó cho doanh nghiệp thương mại, với sự bảo lãnh này có thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.

Một số ngân hàng cho biết đang xem xét các điều kiện để cuối quý II năm nay có thể hạ lãi suất cho vay xuống quanh mức 10%.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước