Một chiếc vé máy bay có lẽ là chẳng rẻ chút nào đối với nhiều người dân lựa chọn di chuyển bằng phương tiện này. Mặc dù đã xuất hiện những hãng hàng không bình dân nhưng đi máy bay, ở một góc độ nào đó, vẫn được coi là dịch vụ xa xỉ. Ấy vậy nên dư luận mới ngỡ ngàng khi mới đây, UBND TP Cần Thơ đã đề xuất phương án bù lỗ cho những đường bay mới khi các hãng hàng không khai thác kém hiệu quả, bằng tiền từ ngân sách.
Câu hỏi "Ngân sách bỏ tiền tỷ bù lỗ đường bay, nên hay không?" được đặt ra trong một bài viết trên báo Tuổi trẻ. Sau 7 năm đưa vào hoạt động, sân bay quốc tế Cần Thơ có lượng hành khách khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 20% công suất thiết kế. Do đó, UBND thành phố Cần Thơ mới có đề xuất muốn dùng ngân sách bù lỗ cho các hãng hàng không với hình thức hỗ trợ một phần giá vé máy bay cho người sử dụng, tương đương mức hỗ trợ 30% giá vé máy bay cho mỗi chuyến xuất phát từ cảng hàng không quốc tế Cần Thơ.
Thực tế việc xin bù lỗ ở Cần Thơ không phải là trường hợp duy nhất mà một số địa phương có sân bay ít khách khác cũng đang áp dụng chính sách này.
Theo tờ Người Lao động, hiện cả nước có 22 sân bay được giao cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam ACV quản lý, trong đó có tới 16-18 sân bay thu không đủ bù chi từ năm 2012-2015. ACV phải bù đắp chi phí cho các chi nhánh. Chỉ có sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất là hoạt động có lãi.
Cũng theo Người Lao động, ở Quảng Bình, với đường bay quốc tế mới mở, ít khách nên sân bay hỗ trợ một số chi phí dịch vụ. Còn tại Thừa Thiên-Huế, trong 2 năm 2015 và 2016, tỉnh đã hỗ trợ 3 tỷ đồng cho 2 công ty lữ hành khai thác tuyến bay thuê bao Huế - Bangkok với tần suất 2 chuyến/tháng. Hiện đường bay này dang tạm ngừng hoạt động.
Còn tại Cà Mau, cả một đường bay từ Cà Mau đi TP.HCM được đầu tư hơn 500 tỷ đồng nhưng hiện nay cũng chỉ sử dụng 2 giờ mỗi ngày rồi đóng cửa. Trong khi bến xe khách gần đó hoạt động cả ngày lẫn đêm.
Trở lại với câu hỏi có nên bỏ tiền tỷ để bù lỗ đường bay hay không? Tờ Tuổi trẻ đã trích lời một số chuyên gia cho rằng, bù lỗ là đi ngược cơ chế thị trường.
PGS. TS. Tô Trung Thành (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) nhận định, đường bay vào Cần Thơ rất ít khách, nhiều khách hàng lựa chọn bay thẳng vào TP.HCM. Với mức hỗ trợ 8 tỷ đồng/năm chỉ mang tính chất ngắn hạn.
Còn chuyên gia hàng không Nguyễn Thiện Tống cho rằng việc này đi ngược với cơ chế thị trường vì nếu thật sự có nhu cầu về hành khách, các hãng hàng không sẽ tự động tăng chuyến bay hay mở thêm đường bay mới mà không cần bù lỗ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!