Ngành chăn nuôi hướng tới mục tiêu xuất khẩu

Thúy Lan - Bằng Việt-Thứ tư, ngày 16/09/2020 15:25 GMT+7

VTV.vn - Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, trong thời gian tới, ngành chăn nuôi phải coi mục tiêu xuất khẩu là áp lực để thay đổi toàn ngành.

Chăn nuôi lợn của Việt Nam đang đứng thứ 5 thế giới về số lượng, đàn thủy cầm cũng đứng thứ 2 thế giới. Năng suất bò sữa và sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đứng số 1 khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu của ngành chăn nuôi lại rất thấp, thậm chí lép vế so với ngành khác. Trong 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu của ngành chăn nuôi chỉ đạt 250 triệu USD giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngành chăn nuôi hướng tới mục tiêu xuất khẩu - Ảnh 1.

Giá trị xuất khẩu của ngành chăn nuôi rất thấp, thậm chí lép vế so với ngành khác. Ảnh minh họa - Dân trí.

Thực tế này trên được Bộ NN-PTNT chỉ ra trong hội thảo gần đây. Tại hội thảo, Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu 10 năm tới xuất khẩu từ 15% - 20% sản lượng thịt lợn, 20% - 25% thịt và trứng gia cầm. Để có thể hoàn thành mục tiêu này, người đứng đầu Bộ NN-PTNT khẳng định, hoàn toàn có cơ sở để đưa ra mục tiêu trên.

"Chúng ta phải tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng: Một là hiện đại; hai là liên hòa khép kín chuỗi sản xuất từ tổ chức sản xuất, chế biến, tổ chức thương mại. Kỳ này lấy thị trường xuất khẩu làm áp lực, động lực để thúc đẩy hoàn thành chất lượng", ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nói.

Để tái cơ cấu đúng hướng, vai trò của các cơ quan Nhà nước sẽ phải định hướng quy hoạch từng ngành nhỏ, tránh dư thừa, phải cân đối được giữa thị trường xuất khẩu và trong nước. Còn doanh nghiệp vẫn được coi lực lượng nòng cốt hiện thực hóa các mục tiêu trên.

Ngành chăn nuôi hướng tới mục tiêu xuất khẩu - Ảnh 2.

Ngành chăn nuôi cần tạo áp lực để hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Ảnh minh họa - Dân trí.

Bên cạnh đó, theo các doanh nghiệp, các địa phương phải cơ cấu lại cây trồng đảm bảo được nguồn nguyên liệu cho việc sản xuất thức ăn chăn nuôi, để thay thế việc nhập khẩu như hiện nay. Đây là nguyên nhân chính làm cho giá thành của các sản phẩm gà, lợn, trứng của Việt Nam còn cao, chưa cạnh tranh với thế giới.

Ngoài ra, để thu hút được các doanh nghiệp mạnh tay đầu tư các chuỗi giá trị về chăn nuôi, họ cũng cần Chính phủ có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn như việc triển khai rộng hơn nữa chính sách bảo hiểm nông nghiệp, ưu tiên quỹ đất, các nguồn vốn rẻ đặc thù cho ngành.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước