Cùng với việc nâng tỷ lệ nội địa hoá nguồn nguyên phụ liệu, đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các FTA, việc số hoá, chuyển đổi xanh trong quá trình sản xuất cũng được được đặt ra góp phần đạt mục tiêu xuất khẩu ngành da giày trong năm nay.
Nếu như trước đây, việc thiết kế và sản xuất phụ kiện cho các sản phẩm giày dép của Công ty Giày Viễn Thịnh phụ thuộc vào nhập khẩu thì nay doanh nghiệp đã làm chủ ở tất cả các công đoạn.
Công nghệ mới đã giúp năng suất lao động của doanh nghiệp tăng gấp 2 lần, tiết kiệm chi phí và giảm giá thành sản xuất trung bình 20% cho mỗi sản phẩm, nhờ vậy đã đảm bảo sức cạnh tranh, ổn định sản xuất và xuất khẩu.
Ông Trần Thế Linh - Tổng Giám đốc Công ty Giày Viễn Thịnh cho biết: "Chúng tôi có những máy giảm được 10 lao động trên 1 máy. Chúng tôi đầu tư hàng trăm máy sẽ giảm được hàng nghìn lao động trong quy trình sản xuất của nhà máy. Tất cả những cái đó giúp giảm được giá thành sản xuất, có được đơn hàng cho sản xuất ở các năm khó khăn như năm 2023 này và những năm sắp tới".
Ngành da giày đang tích cực đẩy mạnh đổi mới phương thức sản xuất và công nghệ. Ảnh minh họa.
Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành da giày sụt giảm trên 20% so với cùng kỳ. Việc thay đổi phương thức sản xuất đang mở ra hy vọng sản xuất của toàn ngành sẽ tăng mạnh trong những tháng tới, đáp ứng yêu cầu hoàn thành mục tiêu cả năm cũng như đòi hỏi ngày càng khắt khe từ các thị trường mà Việt Nam đã ký FTA.
Xuất khẩu sản phẩm da giày vào EU chiếm hơn 80% kim ngạch của toàn ngành. Để tận dụng những lợi thế rất lớn từ việc giảm, xóa bỏ hàng rào thuế quan vào EU, ngành da giày đang tích cực đẩy mạnh đổi mới phương thức sản xuất và công nghệ.
Năm 2023, dự báo xuất khẩu toàn ngành da giày túi xách Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu đạt 25 tỷ USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!