Ngành dệt may, da giày - túi xách Việt Nam có lịch sử phát triển lâu đời, là ngành kinh tế quan trọng. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong điều kiện còn nhiều khó khăn do dịch bệnh trên toàn cầu, ngành dệt may, da giày - túi xách cần nỗ lực hơn nữa để tiếp tục tăng trưởng nhanh, phát triển chuỗi cung ứng, công nghiệp phụ trợ, giải quyết việc làm.
Ngành dệt may, da giày - túi xách Việt Nam có lịch sử phát triển lâu đời, là ngành kinh tế quan trọng, có đóng góp lớn trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm, xuất khẩu và hội nhập quốc tế; với lực lượng lao động đông đảo, khoảng trên 4,3 triệu lao động (chỉ tính riêng cho các doanh nghiệp có quy mô trên 100 lao động).
Xuất khẩu năm 2019 của ngành đạt khoảng 62 tỷ USD, chiếm 24% kim ngạch xuất khẩu của cả nước có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.
Xuất khẩu năm 2019 của ngành dệt may, da giày - túi xách đạt khoảng 62 tỷ USD. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Thủ tướng yêu cầu ngành phấn đấu năm 2021 lấy đà tăng trưởng như năm 2019, năm 2022 quyết tâm tăng trưởng cao hơn, góp phần ổn định xã hội, không để lao động thất nghiệp, ổn định thu nhập; tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, vận hành doanh nghiệp dệt may, đưa ngành dệt may tiếp cận với không gian chung của ngành thời trang thế giới; tạo lợi thế cạnh tranh nhờ giao tiếp trên một không gian chung với các hãng thời trang lớn của thế giới.
Thủ tướng nhấn mạnh, để phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, ngành cần tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các Hiệp định thế hệ mới (EVFTA, CPTPP, RCEP); mở rộng ngành sản xuất nguyên liệu, phụ trợ, tăng tỷ lệ giá trị gia tăng của sản phẩm, chủ động hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!