Dệt may vẫn được coi là ngành hưởng lợi nhiều từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã và đang tham gia. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành chia sẻ, họ đang đứng trước thực tế khó được hưởng lợi từ các hiệp định như EVFTA, RCEP, vì không đảm bảo quy tắc xuất xứ.
Từ trước tới nay, nguyên phụ liệu của ngành dệt may vẫn phải nhập khẩu tới 60%. Để thay đổi thực tế trên, không còn cách nào khác, các doanh nghiệp trong nước tự phải liên kết lại, hình thành các chuỗi cung ứng dệt may, thay thế nguyên liệu nhập khẩu bằng nguyên liệu trong nước, tuy nhiên để liên kết lại là không dễ.
Từ trước tới nay, nguyên phụ liệu của ngành dệt may vẫn phải nhập khẩu tới 60%. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Theo đại diện của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp phụ trợ trong ngành dệt may, da giày còn nhiều hạn chế, quy mô và năng lực cạnh tranh còn yếu, chưa đủ lực tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu.
"Một trong những yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là tập trung nguồn lực, đầu tư vào sản xuất nguyên liệu, phụ liệu để phục vụ cho doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Như vậy mới có thể đáp ứng được yêu cầu xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do", ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, nhận định.
Dệt may được coi là ngành hưởng lợi nhiều từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Trong giải pháp phát triển công nghệ hỗ trợ do Chính phủ mới ban hành, đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu trong nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!