Ngành gạo thúc đẩy xuất khẩu

VTV Digital-Thứ tư, ngày 05/07/2023 07:18 GMT+7

VTV.vn - Là điểm sáng xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay nhưng cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm.

Tăng cường các giải pháp thúc đẩy sản xuất gạo

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 610 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo. Tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng đầu năm nay đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất khẩu gạo vẫn còn những khó khăn, hạn chế như chiến lược thị trường chưa thực sự ổn định, dài hạn; công tác phát triển thị trường chưa tương xứng với tiềm năng ngành hàng; sự cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu gạo; giá cả đầu vào tăng cao…

Nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo trong thời gian tới, tận dụng thời cơ, cơ hội thị trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Ngoại giao và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng nhiệm vụ được giao, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân và doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển giống lúa năng suất, chất lượng cao phù hợp yêu cầu thị trường, sử dụng hiệu quả thương hiệu và nhãn hiệu Gạo Việt Nam; Xây dựng cơ sở hạ tầng; Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất; Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ triển khai xây dựng vùng nguyên liệu, tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ; Đẩy mạnh đàm phán song phương, đa phương để ký kết các Hiệp định, thỏa thuận; Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; Linh hoạt tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại…

Nhu cầu gạo tại các thị trường lớn

Nhìn vào 6 tháng đầu năm, Philipines là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm hơn hơn 1/3 tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, còn Trung Quốc là thị trường xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất, tăng gần 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ghi nhận từ các thương vụ của Việt Nam tại hai thị trường trên, nhu cầu gạo từ nay đến cuối năm của Philipines và Trung Quốc còn dư địa khá lớn.

Ông Phùng Văn Thành - Thám tán Thương mại Việt Nam tại Philippines nhận định: "Hàng năm, Philipines sản xuất được khoảng 12 -13 triệu tấn gạo, trong khi đó nhu cầu hàng năm của đất nước này là trên 15 triệu tấn gạo. Do đó, mức thiếu hụt khoảng từ 2,5 - 3 triệu tấn gạo. Đây chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam".

Ông Nông Đức Lai - Thám tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc đánh giá: "Năm 2022 Trung Quốc nhập khẩu hơn 6 triệu tấn gạo, tăng gần 70% cao hơn mức hạn ngạch của nước này, tức là 5,3 triệu tấn. Nhưng trong 5 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu gạo của nước này mới chỉ đạt 1,6 triệu tấn, chiếm hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến đến cuối năm nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng lên".

Ngành gạo thúc đẩy xuất khẩu - Ảnh 1.

Việt Nam là nhà cung cấp gạo lớn nhất của Philippines. Ảnh minh họa.

Ngành gạo tiếp tục đa dạng hoá thị trường xuất khẩu

Trong Công điện tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo, Thủ tướng yêu cầu cần củng cố duy trì ổn định thị trường truyền thống như Philipines, Trung Quốc… và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo, khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao tại EU, Hàn Quốc, Mỹ, khu vực Bắc Mỹ.

Theo Bộ Công Thương, từ nay đến cuối năm để tận dụng cơ hội nhu cầu gạo của thị trường quốc tế đang tăng cao, phải tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu gạo theo đúng tinh thần chỉ đạo trong Công điện của Thủ tướng Chính phủ.

Để tận dụng dư địa xuất khẩu vẫn còn cao của thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines, công tác quảng bá cũng được các thương vụ Việt Nam ở các nước sở tại đẩy mạnh hơn. Ngoài ra, cò các tiêu chuẩn khác của các nước sở tại cũng được các thương vụ khuyến cáo tới các doanh nghiệp.

Ông Phùng Văn Thành - Thám tán Thương mại Việt Nam tại Philippines cho biết: "Các doanh nghiệp trong nước trước hết phải đảm bảo nguồn cung và chất lượng gạo của Việt Nam ổn định như các năm qua. Các doanh nghiệp cũng cần có sự phối hợp với Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Philippines để tổ chức, tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm gạo của Việt Nam".

Ông Nông Đức Lai - Thám tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc khuyến cáo: "Ngoài hơn 20 doanh nghiệp đã được cấp phép đến nay thị phía Trung Quốc cũng chưa bổ sung thêm doanh sách các doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo sang thị trường này. Do đó, Hải quan Trung Quốc có thể truy xuất sản lượng cũng như hạn mức từng doanh nghiệp, vì vậy các doanh nghiệp cũng cần lưu ý không để chúng ta xuất quá mức cho phép".

Không chỉ tập trung giữ vững và phát triển các thị trường truyền thống, ngành gạo Việt Nam cũng đang tập trung phát triển các thị trường mới, nhất là tận dụng các Hiệp định thương mại tự do - FTA.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: "Hiện nay chúng ta đang tập trung vào một số thị trường mới ví dụ như tại thị trường EU để tận dụng hiệp định thương mại tự. Chúng ta cũng đã có chứng nhận để xuất khẩu gạo thơm, qua đó tăng số lượng gạo thơm xuất khẩu vào thị trường này. Hay một số thị trường có chủng loại gạo đặc thù như Nhật Bản cũng đang có sự tăng trưởng rất tốt".

Việc tâp trung thay đổi chuyển từ số lượng sang nâng cao chất lượng, tăng tỷ lệ gạo hữu cơ, gạo bổ sung vi chất đã giúp gạo Việt có những lô hàng chạm mức 1.200 USD/tấn.

Ngành gạo thúc đẩy xuất khẩu - Ảnh 2.

Ngành gạo Việt Nam đang tập trung phát triển các thị trường mới. Ảnh minh họa.

Tăng tính cạnh tranh gạo Việt Nam bằng chất lượng

Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến cuối tháng 6, mặt hàng gạo 5% tấm, giá bán xuất khẩu đang là 512 USD/tấn, ngang bằng với gạo Thái Lan và cao hơn gạo Ấn Độ. 

Theo các chuyên gia, Việt Nam tuy sản lượng gạo lớn, nhưng vẫn đang cạnh tranh về giá, chưa phải cạnh tranh về chất lượng. Về ngắn hạn trong bối cảnh nhu cầu tích trữ lương thực của thế giới đang cao, gạo Việt Nam vẫn đủ sức cạnh tranh. Tuy nhiên, về dài hạn, để nâng cao thương hiệu gạo Việt, phải cạnh tranh về chất lượng.

6 tháng đầu năm, 70% sản lượng gạo xuất của Tập đoàn Tân Long vào thị trường Philipines. Nhưng theo đại diện của doanh nghiệp, bắt đầu từ năm nay đang có sự chuyển dịch của thị trường gạo thế giới, theo hướng yêu cầu cao hơn về chất lượng.

Ngành gạo thúc đẩy xuất khẩu - Ảnh 3.

Mục tiêu xuất khẩu năm nay 7 triệu tấn gạo với kim ngạch 5 tỷ USD được dự báo là khả thi. Ảnh minh họa.

Ngoài ra, còn có một sự dịch chuyển nữa cũng liên quan đến nhu cầu lương thực thế giới. Thông thường thị trường châu Phi ưa chuộng nhập khẩu mặt hàng vụ lúa Đông Xuân thì năm nay các nước châu Phi đã bắt đầu nhập khẩu lúa gạo của cả vụ Hè Thu. Điều này cho thấy nhu cầu gạo của thế giới đang rất lớn.

Trước những dịch chuyển trên về thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang chủ động phối hợp với các địa phương thực hiện quy trình canh tác nâng cao chất lượng gạo.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Chúng tôi tập trung vào giảm lượng phân bón, giảm lượng giống gieo sạ, sử dụng nước hợp lý . Với các quy trình kỹ thuật này, chúng ta sẽ giảm được chi phí đầu vào, dẫn đến chi phí sản xuất sẽ giảm theo, đồng thời đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm phát thải khí nhà kính gây ra trong quá trình sản xuất".

Với sự chỉ đạo sát sao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với những nỗ lực từ chính ngành Nông nghiệp và ngành Công Thương thì mục tiêu xuất khẩu năm nay 7 triệu tấn gạo với kim ngạch 5 tỷ USD được dự báo là khả thi khi nhiều nước trên thế giới đang có xu hướng tăng lượng dự trữ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước