Dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã khiến hầu hết tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đều phải lật lại dự báo tăng trưởng của chính mình. Điển hình là ngành hàng không.
Cách đây vài tháng, Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế IATA dự báo ngành hàng không năm nay sẽ tăng trưởng 4,7% nhưng dữ liệu hiện tại cho thấy tăng trưởng sẽ thụt lùi, giảm 2,8%.
Đặc biệt, với những ổ dịch mới bùng phát tại châu Âu, đặc biệt là các quốc gia đón nhiều khách du lịch như Italy và Pháp, ngành hàng không lục địa già đang đi vào vùng khủng hoảng.
Một loạt hãng hàng không giá rẻ như Ryan Air, Easy Jet hay Lufthansa đã phải cắt giảm mạnh tay số chuyến bay, đồng thời dự báo doanh thu cả năm 2020 sụt giảm nghiêm trọng. Điển hình như hãng Air France-KLM dự báo gần như là trắng tay khi doanh thu năm nay có thể giảm tới 95%.
IATA cũng dự báo nhu cầu đi lại bằng máy bay của người dân sẽ rơi xuống đáy sau 3 tháng bùng dịch, bắt đầu nhúc nhắc đi lên từ tháng thứ 4 nhưng sẽ mất 6-7 tháng để hồi phục.
Ngành hàng không châu Âu thiệt hại do COVID-19
Trong lịch sử ngành hàng không châu Âu, đã có nhiều biến cố khiến thị trường trồi sụt bất thường. Tuy nhiên, dịch COVID-19 là một thử thách hoàn toàn mới, cho thấy không có hãng hàng không nào bay đủ cao, đủ xa để thoát khỏi tầm tay của loại virus quái ác này.
Nhưng quan trọng hơn là ngành hàng không châu Âu đang làm gì để có thể sớm tìm lại vùng trời bình yên?
Máy bay hạ cánh từ từ nhưng lợi nhuận rơi thẳng không phanh. Đó là những gì hàng không châu Âu đang lo ngại.
"Hiện tại, chúng tôi đưa ra dự đoán là thiệt hại cho hãng do dịch bệnh sẽ rơi vào khoảng 115 triệu tới 200 triệu Euro. Không có gì ngạc nhiên cả, ngay từ cuối tháng 1, lượng khách từ Trung Quốc đặt chuyến bay của hãng đã giảm nghiêm trọng" - Đó là phát biểu mới nhất của CEO hãng Air France KLM liên doanh Pháp và Hà Lan.
Chỉ trong vòng 2 tuần, cổ phiếu của Air France KLM sụt thê thảm. Từ mức hơn 10 USD/cổ phiếu hôm 19/2 rớt xuống còn hơn 7 USD/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 5/3. Đây cũng là quãng thời gian mà dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại Italy và các quốc gia lân cận.
Mỗi năm, người dân châu Âu thực hiện khoảng 1 tỷ chuyến đi du lịch trong khối, bao gồm cả di chuyển bằng máy bay. Trong đó, Italy và Pháp là 2 địa điểm được ưa chuộng nhất. Nhưng nhìn vào hiện trạng của những thành phố này, như Milan, không một bóng người, có thể tưởng tượng được các chuyến bay đến đây cũng đang ế ẩm như thế nào. Venice hay bảo tàng Louvre cũng không ai đặt chân tới.
Easy Jet, hãng hàng không giá rẻ có trụ sở tại Lndon cho biết, nhu cầu với các chuyến bay ra vào phía Bắc Italy giảm đi trông thấy. Từ đầu năm tới này, cổ phiếu Easy Jet giảm 20%.
Không chỉ những hãng nhỏ, hãng hàng không quốc gia Anh British Airways cũng cho biết tình hình kinh doanh đang bị ảnh hưởng lớn bởi hành khách hủy chuyến, đặc biệt là những chuyến đến và đi từ Trung Quốc, Italy, Singapore và Hàn Quốc.
Năm 2003, khi dịch bệnh SARS bùng phát, hàng không toàn cầu bị thiệt hại 7 tỷ USD, chưa bằng 1/4 so với con số thiệt hại IATA đưa ra với dịch COVID-19.
Khắp các trang mạng xã hội, báo chí quốc tế đều đưa tin về những trường hợp mắc bệnh mà vẫn di chuyển trên các chuyến bay và các sân bay quốc tế. Người đọc đặc biệt quan tâm về công tác khử trùng trên các máy bay. Theo đại diện của IATA, nếu dịch COVID-19 kéo dài cả năm 2020, thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều so với con số 30 tỷ USD.
Hàng không châu Âu tìm biện pháp giảm thiểu tác động của dịch COVID-19
Trong bối cảnh khó khăn dồn dập vì dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, các hãng hàng không châu Âu đã phải thực hiện hàng loạt các biện pháp để có thể vượt qua mùa dịch.
Hãng hàng không Ireland Ryan Air đã cắt giảm 1/4 số chuyến bay do lượng khách sụt giảm, đặc biệt là tuyến bay tới các địa điểm có dịch. British Airways tập trung làm việc với nhà cung cấp để cắt giảm tối đa chi phí, dừng toàn bộ việc tuyển dụng nhân sự mới, tính phương án hoãn việc trả lương thưởng.
Nhiều hãng hàng không châu Âu cũng đã áp dụng biện pháp cho nhân viên luân phiên nghỉ việc không lương. Đại diện các hãng hàng không châu Âu cũng kêu gọi chính phủ hỗ trợ bằng cách miễn giảm các loại phí phải trả, khi sử dụng sân bay hoặc miễn giảm thuế phát thải carbon.
Trong khi đó, sẽ có những hãng hàng không châu Âu không thể qua khỏi mùa dịch này mà lâm vào cảnh phá sản. Ví như Flybe, hãng hàng không giá rẻ của Anh vừa tuyên bố phá sản do làm ăn bết bát, lại thêm giọt nước tràn ly là dịch COVID-19. Đối với những trường hợp này, các hãng lớn hơn đã triển khai mua lại, sáp nhập như một cách để chống đỡ cho toàn ngành trong mùa dịch như trong khẳng định mới đây tại hội nghị hàng không châu Âu thường niên diễn ra tại Brussels, Bỉ.
Giải pháp ứng phó với dịch COVID-19 của hàng không Việt Nam
Tại Việt Nam, ngành hàng không được đánh giá là lĩnh vực chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề nhất trong các lĩnh vực vận tải do tác động của dịch COVID-19. Không chỉ thị trường Trung Quốc, nhiều thị trường khác như Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng bị ảnh hưởng. Các hãng hàng không cũng đã phải chủ động các phương án để giảm bớt phần nào những khó khăn trước mắt.
Có thể thấy, các hãng hàng không đã rất nhanh chóng có nhiều giải phảp để giảm thiệt hai do dịch, đặc biệt là mở các đường bay mới. Đây là giải pháp quan trọng để khi các đường bay Trung Quốc, Hàn Quốc mở lại sẽ phần nào bù đắp những tổn thất doanh thu trong thời gian qua.
Tuy nhiên, các hãng hàng không cũng cần sự đồng hành của khách hàng, trước các gói khuyến mãi kích cầu, người tiêu dùng có thể cân nhắc dịch vụ của các hãng hàng không vì trên thực tế vẫn còn nhiều điểm du lịch an toàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!