Ngành mía đường cần làm gì để “chuyển mình” sau áp thuế đường Thái Lan?

Mai Phương-Thứ hai, ngày 28/06/2021 09:29 GMT+7

VTV.vn - Sau 9 tháng điều tra, Bộ Công Thương đã chính thức ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp 47,64% đối với đường mía Thái Lan.

Quyết định này được nhiều doanh nghiệp nhìn nhận là quyết định có tính lịch sử nhằm khôi phục ngành mía đường nội địa, sau khi hàng loạt các nhà máy đã phải đóng cửa, 3.300 người bị mất việc, hơn 93.000 hộ nông dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, để ngành mía đường thực sự vực dậy được sẽ cần thêm nhiều việc phải làm sau áp thuế.

Quyết định chính thức này đã tác động tích cực đến thị trường trong nước khi giá đường nhích lên, giá thu mua mía đối với người nông dân được tăng từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn. Sau nhiều năm, nông dân cũng lần đầu tiên tiêu thụ toàn bộ hơn 6 triệu tấn mía.

"Biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp này dự kiến được áp dụng trong 5 năm, đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ cho ngành sản xuất đường và nông dân trồng mía trong nước trước hành vi mà chúng tôi đã xác định là cạnh tranh không công bằng của các sản phẩm đường nhập khẩu từ Thái Lan, đó là hành vi bán phá giá và nhận trợ cấp từ Chính phủ Thái Lan", Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Chu Thắng Trung cho biết.

Ngành mía đường cần làm gì để “chuyển mình” sau áp thuế đường Thái Lan? - Ảnh 1.

Việc áp thuế với mía đường Thái Lan được kỳ vọng là cơ hội vực dậy ngành mía đường. (Ảnh: VGP)

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, kể từ khi áp thuế sơ bộ vào tháng 2 năm nay, ngành mía đường trong nước đã có tác động tích cực. Cụ thể, lượng đường nhập khẩu Thái Lan từ tháng 3/2021 cho tới thời điểm này giảm đáng kể, từ mức bình quân là 110.000 tấn năm 2020, tới nay chỉ còn khoảng 28.000 tấn, giảm 75%. Tuy nhiên, để vực dậy ngành mía đường trong nước sẽ cần thêm một thời gian nữa.

"Mức thuế này thiết lập được môi trường công bằng để người sản xuất mía đường Việt Nam có thể sản xuất ngang bằng với các đồng nghiệp trong khu vực, sẽ nâng giá đường của Việt Na tiệm cận với giá đường xung quanh. Một chu kỳ cây mía đến 3 năm nên nó bắt đầu có tác động nhưng chưa thể có tác động liền ngay được", ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho hay.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng cho rằng, tuy đã có quyết định áp thuế chính thức, nhưng để chính sách thực sự tác động tốt phải chú ý đến các dấu hiệu lẩn tránh thuế khi đường nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN khác cũng tăng vọt.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, với công cụ phòng vệ thương mại hiện nay, ngành đường Việt Nam đã có thể cạnh tranh sòng phẳng với Thái Lan. Tuy nhiên về dài lâu, để "chuyển mình", ngành mía đường phải tính toán đầu tư phát triển công nghệ sản xuất, canh tác.

Áp thuế đường Thái, mía đường trong nước hưởng lợi gì? Áp thuế đường Thái, mía đường trong nước hưởng lợi gì?

VTV.vn - Việc áp dụng mức thuế chống bán phá giá, chống bán trợ cấp cao đối với mía đường Thái Lan mang lại nhiều tín hiệu tích cực đối với ngành mía đường trong nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước