Ngành mía đường “đứng vững” trước hội nhập

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 07/06/2021 20:24 GMT+7

VTV.vn - Từ đầu năm đến nay, với tác động của biện pháp phòng vệ thương mại, ngành đường đã có những tác động tích cực, tạo đà cho những thay đổi để "đứng vững" trước hội nhập.

Những khó khăn của ngành mía đường đã được liên tục nhắc đến trong thời gian qua. Đặc biệt, khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực, thuế xuất nhập khẩu mặt hàng đường vào Việt Nam giảm từ 85% xuống còn 5%.

Không còn rào cản về thuế, năm 2020 đường nhập khẩu đã lên tới hơn 1 triệu tấn. Các nhà máy không cạnh tranh nổi nên sản lượng đường sản xuất trong nước chỉ còn dưới 1 triệu tấn.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, với tác động của biện pháp phòng vệ thương mại, ngành đường đã có những tác động tích cực, tạo đà cho những thay đổi để có thể "đứng vững" trước hội nhập.

Tháng 2, Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 477 về việc áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp lên tới 48,88% đối với đường tinh và 33,88% với đường thô nhập khẩu từ Thái Lan. Đây là kết quả của một quá trình điều tra kéo dài 5 tháng.

Những can thiệp trên của Bộ Công Thương đã mang lại cơ hội cạnh tranh công bằng cho đường của Việt Nam ở thị trường nội địa. Giá bán đường sản xuất trong nước đã tăng trung bình từ 1.500 - 2.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2020.

Ngành mía đường “đứng vững” trước hội nhập - Ảnh 1.

Phòng vệ thương mại hỗ trợ ngành mía đường “đứng vững” trước hội nhập. Ảnh minh họa - Báo Đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp đã quay trở lại hỗ trợ cho nông dân. Niên vụ mía năm nay, diện tích mía nguyên liệu của Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hoà đã tăng thêm 15.000 ha, tăng 35% so với vụ trước, nhờ chuyển đổi, hỗ trợ nông dân cơ giới hóa, áp dụng khoa học công nghệ... Doanh nghiệp còn cam kết bao tiêu 3 vụ, giúp nông dân mở rộng theo hình thức hợp tác xã.

Khi người trồng mía và nhà máy có tiếng nói chung, Tây Ninh đã có những cánh đồng mía lớn cho năng suất và giá thành canh tranh với các nước. Theo Bộ Công Thương, đó mới là cách làm bền vững vì phòng vệ thương mại theo quy định chỉ được áp dụng 5 năm.

Năng lực sản xuất của Việt Nam hàng năm đạt 1 - 1,3 triệu tấn đường, trong khi nhu cầu tiêu dùng và chế biến là hơn 2 triệu tấn. 

Để tạo điều kiện cho sản xuất trong nước hồi phục, tiến tới đáp ứng 100% nhu cầu trong nước thì bên cạnh nỗ lực của các nhà máy đường, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục có biện pháp phòng vệ nếu có đủ bằng chứng về tình trạng đường Thái Lan đi vòng qua các nước ASEAN để tránh thuế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước