Ngành nông nghiệp hướng tới mục tiêu xuất khẩu 47 tỷ USD

VTV Digital-Thứ năm, ngày 09/12/2021 06:23 GMT+7

VTV.vn - Theo dự đoán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu năm nay sẽ cán đích 47 tỷ USD, cao nhất trong lịch sử.

Nhìn lại thời gian qua, nhiều loại nông sản có giá xuất khẩu tăng cao trong nhiều năm. Giá tiêu thế giới đang trong ngưỡng cao nhất trong vòng 3 năm, kéo theo giá trị xuất khẩu tiêu của Việt Nam cũng tăng tới 44%; hay cao sau, hạt điều giá cũng đang ở ngưỡng cao, nên giá trị xuất khẩu cao su cũng tăng tới 40%, hạt điều là 14%.

Những con số trên phần nào cho thấy tại sao ngành nông nghiệp năm nay có thể thu vượt chỉ tiêu tới 5 tỷ USD từ xuất khẩu.

Không chỉ tăng về giá, mà nhu cầu các loại nông sản càng về cuối năm càng tăng mạnh. Ngành thủy sản là một ví dụ. Mặc dù tháng 9 gần như đóng băng do phải giãn cách vì dịch COVID-19, nhưng lại phục hồi tăng tốc 3 tháng cuối năm.

Ngành nông nghiệp hướng tới mục tiêu xuất khẩu 47 tỷ USD - Ảnh 1.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hết năm 2021, xuất khẩu thủy sản có thể sẽ cán đích ở mức trên 8,8 tỷ USD. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Nhu cầu của tất cả thị trường đều quá lớn. Đà đó tiếp tục tiếp diễn trong tháng cuối năm. Chúng tôi dự đoán xuất khẩu thủy sản vẫn tăng khoảng 6%. Với mức đó, hết năm 2021, xuất khẩu thủy sản có thể sẽ cán đích ở mức trên 8,8 tỷ USD và tăng khoảng 4% so với cùng kỳ", bà Lê Hằng, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đánh giá.

Thủy sản cùng với trồng trọt, lâm nghiệp là 3 động lực chính đóng góp nhiều nhất vào tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành. Trong đó, ngành lâm nghiệp có tốc độ tăng trường mạnh nhất, sau 11 tháng tăng trên 20% về giá trị xuất khẩu, ước đạt 14,3 tỷ USD.

Những khó khăn như chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, thiếu lao động là thử thách không nhỏ đối với những doanh nghiệp lâm nghiệp, buộc họ phải chủ động, linh hoạt trong hoạt động sản xuất, đảm bảo mục tiêu xuất khẩu cả năm.

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn, ngành gỗ sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu năm nay

Công ty TNHH MTV Hoàng Thông đặt tại Bình Dương với quy mô 3.500 lao động. Sau giai đoạn ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, số lao động quay lại công ty chỉ hơn 2.000 lao động, giảm tới 40%, sản xuất theo đó chỉ đạt 50% công suất. Doanh nghiệp phải tăng lương, thêm chế độ đưa đón công nhân, chấp nhận chi phí tăng cao để duy trì sản xuất, đáp ứng đơn hàng xuất khẩu.

"Kết quả đáng ghi nhận là giữ được người lao động, tuyển thêm một số lao động mới nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, kịp thời ổn định nhân công, giao hàng cho khách hàng đúng và đủ", ông Dương Quang Hiệp, Giám đốc nhân sự, Công ty TNHH MTV Hoàng Thông, chia sẻ.

Mua nguyên liệu gỗ tròn thay vì gỗ đã xẻ, hay phải lên phương án mua chung cùng với nhiều doanh nghiệp để được giá ưu đãi. Đó là cách Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu (TAVICO) ứng phó với việc giá gỗ nguyên liệu tăng tới 20% trong thời gian qua.

"Chúng tôi tìm kiếm các nguồn nguyên liệu khác để thay thế cho những nguồn gỗ hiện đang khan hiếm hoặc giá tăng cao", ông Võ Quang Hà, Chủ tịch Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu (TAVICO), cho biết.

Ngành nông nghiệp hướng tới mục tiêu xuất khẩu 47 tỷ USD - Ảnh 2.

Ngành gỗ đang hướng tới hoàn thành mục tiêu xuất khẩu của năm từ 14 - 15 tỷ USD. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngành gỗ đang hướng tới hoàn thành mục tiêu xuất khẩu của năm từ 14 - 15 tỷ USD.

Hiện toàn ngành nông nghiệp có 78 liên minh hợp tác xã, 78.000 hợp xã, cộng với trên 13.000 doanh nghiệp, tạo nên hệ sinh thái là điểm mấu chốt giúp xuất khẩu vẫn tăng trưởng đều trong năm nay, khẳng định vai trò là trụ đỡ cho cả ngành kinh tế.

"Quan trọng nhất là nhận định được tình hình, vì diễn biến COVID-19 xuất phát từ trước năm 2020. Trước bối cảnh đó, Bộ đã chỉ đạo các địa phương, các doanh nghiệp, các trang trại, hợp tác xã và bà con nông dân xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo tiêu chí cho các thị trường, quản trị theo chuỗi từ cây giống, con giống, quy trình canh tác, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sơ chế, chế biến, nhãn mác, xúc tiến thương mại. Đó là nền tảng quan trọng", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Mặc dù đạt con số ấn tượng về giá trị xuất khẩu, nhưng xuất siêu lại giảm khá sâu, khoảng 56% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo các chuyên gia, việc giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và phân bón tăng mạnh trong thời gian qua là nguyên nhân chính dẫn tới việc sụt giảm trên.

Để khắc phục được tình trạng trên, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp dồn sức thúc đẩy tăng tưởng cho những nông sản lợi thế như: hồ tiêu, cà phê, thủy sản; tăng cường chất lượng để tập trung cho thị trường có giá trị cao như: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản vượt kỷ lục Xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản vượt kỷ lục

VTV.vn - Tính chung 11 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản đạt gần 83 tỷ USD, lập kỷ lục cao nhất từ trước tới nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước