Ngành y dược "ngóng" FDI

Thuỳ An-Thứ tư, ngày 25/09/2024 19:42 GMT+7

(Ảnh minh hoạ)

VTV.vn - Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành y dược là rất khiêm tốn so với nhiều lĩnh vực.

Tại hội thảo "Đổi Mới Sáng Tạo - Liều Thuốc Phát Triển Ngành Y Dược", ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện có 159 công ty nước ngoài đầu tư vào ngành y dược tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư khoảng 1,8 tỷ USD cho tổng số 40.000 dự án.

Tuy nhiên so với khoảng 500 tỷ USD vốn đăng ký sau 35 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam có thể thấy rằng vốn FDI cho ngành y dược vẫn còn rất nhỏ bé. Theo ông Chung, so với nhiều ngành, lĩnh vực, vốn đầu tư nước ngoài cho ngành y, dược vẫn còn rất khiêm tốn.

Điều đáng nói, trong số 22 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam, chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Singapore… thiếu vắng những doanh nghiệp đầu ngành, dẫn dắt sự phát triển của ngành sản xuất thuốc của thế giới như châu Âu, Mỹ… Hơn nữa, các dự án vẫn tập trung vào những địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội tốt như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng…

Ngành y dược ngóng FDI - Ảnh 1.

Ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quan điểm của Chính phủ là rất nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực liên quan đến con người, y tế, giáo dục.

"Liên quan đến pháp luật về đầu tư, hiện nay đã rất rõ ràng và đầy đủ. Các cơ chế, chính sách ưu đãi cho ngành dược, y tế hiện ở mức cao nhất. Song y dược là ngành đặc thù gắn với sức khoẻ, tính mạng của người sử dụng nên có những điều kiện cấp giấy chứng nhận đầu tư, hoạt động chặt chẽ hơn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Bộ Y tế, bộ ngành khách để dần tháo gỡ những vướng mắc", ông Vũ Văn Chung cho biết.

Liên quan đến chiến lược phát triển ngành y dược, phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào tháng 10/2024 tới, dự thảo Luật Dược (sửa đổi) sẽ góp phần định hướng thu hút đầu tư các hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ, để sản xuất dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc generic đầu tiên, thuốc công nghệ cao, vaccine và sinh phẩm, thuốc là sản phẩm từ máu và huyết tương,... của các tập đoàn dược phẩm nước ngoài tại Việt Nam.

Từ đó chủ động, phát triển bền vững sản xuất trong nước, đồng thời thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu đến các thị trường tiên tiến.

Ngành y dược ngóng FDI - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên

Trong các chính sách cơ bản tại dự thảo Luật Dược (sửa đổi) được Bộ Y tế xây dựng có nhiều ưu tiên phát triển công nghiệp dược và dược liệu Việt Nam, với các chính sách ưu tiên về đầu tư, về đất đai, thuế… về lĩnh vực này.

Dự thảo cũng ưu tiên phát triển công nghệ cao, trong đó có thuốc phát minh, thuốc sinh học và tương đương sinh học, vaccine, thuốc chống ung thư… Nếu các thuốc này được đầu tư chuyển giao công nghệ tại Việt Nam thì được ưu tiên cấp số đăng ký lưu hành, ưu tiên nằm trong danh sách thuốc được ban hành…

Ngoài ra, dự thảo Luật Dược sửa đổi cũng đề xuất bổ sung các hình thức kinh doanh, đó là kinh doanh theo chuỗi và kinh doanh kiểm thử. Đây là hình thức kinh doanh dược hoàn toàn mới.

"Đó là những đổi mới sáng tạo, bao gồm cả đổi mới sáng tạo trong cải cách thủ tục hành chính của lĩnh vực ngành y, đặc biệt là ngành dược", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Cần môi trường đầu tư hấp dẫn hơn?

Phát biểu tại hội thảo, theo ông Lê Minh Sang -  Chuyên gia y tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, hiện nay đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam đang phát triển, và có một số bài học mà Việt Nam cần tham khảo từ các quốc gia khác. 

Cụ thể, Việt Nam cần tiếp tục phát triển các tiêu chuẩn dữ liệu và khả năng tương tác để hỗ trợ các loại luồng thông tin y tế rộng hơn và sâu hơn; đảm bảo việc áp dụng rộng rãi các tiêu chuẩn của các nhà cung cấp công nghệ thông tin y tế. 

Cùng với đó, cần tận dụng các nguồn dữ liệu y tế mới nổi để hỗ trợ lập kế hoạch, quản lý, giám sát y tế công cộng. Đặc biệt, cần phải tạo động lực để tích hợp y tế số vào các dịch vụ y tế cốt lõi.

Ngành y dược ngóng FDI - Ảnh 3.

Cần môi trường đầu tư nước ngoài hấp dẫn hơn cho ngành công nghiệp dược phẩm?

Về giải pháp thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành y dược, bà Radhika Bhalla - Tổng Giám đốc Viatris Việt Nam và Các thị trường Liên minh châu Á, Viatris kiến nghị các cải cách pháp lý để tạo môi trường đầu tư nước ngoài hấp dẫn hơn cho ngành công nghiệp dược phẩm.

Theo đó, Việt Nam có thể tiếp tục thu hút đầu tư bằng cách cung cấp các chính sách ưu đãi về thuế, đơn giản hóa quy trình cấp phép cho thuốc chuyển giao công nghệ.

Ngoài ra, việc giảm gánh nặng thủ tục hành chính liên quan đến các mô hình chuyển giao công nghệ có thể thu hút nhiều đầu tư vào chuyên môn hơn từ các công ty đa quốc gia vào Việt Nam và về lâu dài sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước song song với việc duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cùng quan điểm, ông Darrell Oh, Chủ tịch Pharma Group cho rằng cần tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hoạt động và đầu tư thông qua các chính sách rõ ràng, mang tính dự báo, bền vững để tạo động lực cho các công ty ưu tiên đưa các liệu pháp tiên tiến nhất đến Việt Nam sớm hơn cũng như sẵn sàng đầu tư dài hạn.

Hay đưa ra các chính sách ưu đãi ưu tiên lĩnh vực đổi mới, phát minh như thiết lập trung tâm nghiên cứu, phát triển, khuyến khích đầu tư vào các giai đoạn sớm của quy trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm như nghiên cứu lâm sàng và nâng cao năng lực sản xuất.

Thị trường dược phẩm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh với tổng giá trị từ 3,4 tỷ USD trong năm 2015 lên đến 7,2 tỷ USD vào năm 2023, sản xuất trong nước chiếm khoảng 50% tổng giá trị tiền thuốc điều trị. Tiền thuốc bình quân đầu người năm 2021 đạt mức 73 USD, tăng 66.3 USD so với năm 2002, tăng 50.75 USD so với năm 2010, năm 2022 là 70 USD và năm 2023 là 72 USD.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước