Chính phủ vừa ban hành Nghị định 52 về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.
Doanh nghiệp, tổ chức kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng sẽ được gia hạn 5 tháng số thuế phát sinh của kỳ tính thuế từ tháng 3 - 8/2021. Thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ gia hạn 3 tháng với thời hạn nộp thuế tạm nộp của quý I, II.
Hộ kinh doanh, cá nhân trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, dệt, công nghiệp hỗ trợ, xây dựng, vận tải, dịch vụ kho bãi, du lịch... gia hạn thuế đến 31/12/2021.
Nghị định 52 được ban hành đã tạo thêm nguồn lực để các doanh nghiệp và hộ kinh doanh vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Với tiền thuê đất, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân thuộc các lĩnh vực ưu tiên sẽ được gia hạn số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021. Thời hạn gia hạn là 6 tháng.
"Dịch COVID-19 đã xâm nhập vào Việt Nam từ năm 2020 và ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống cũng như ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Hiện dịch bệnh này vẫn đang diễn biến phức tạp, dự kiến trong năm 2021, dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có quy mô nhỏ bị ảnh hưởng rất lớn do tác động đến nguồn tài chính, khi không có doanh thu cũng như phương thức kinh doanh. Chính vì vậy, Nhà nước đã ban hành Nghị định quy định về giãn, giảm và được đánh giá là tháo gỡ khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp.
Trên cơ sở chính sách đã ban hành năm 2020, Bộ Tài chính đã đánh giá tình hình thực hiện, những vướng mắc khó khăn, những kết quả đã đạt được để tiếp tục có chính sách kéo dài trong năm 2021. Ngày 19/4, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52 để tiếp tục gia hạn, giãn giảm đối với các loại thuế cũng như tiền thuê đất năm 2021. Thời hạn gia hạn là 31/12/2021.
Qua đánh giá thực hiện, nghị định này đã bổ sung thêm một số đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19, ví dụ như: phát thanh, truyền hình, các lĩnh vực về sửa chữa máy móc, thiết bị, thoát nước... Các đối tượng khác cũng đã được bổ sung thêm trong nghị định này", bà Hoàng Thị Hà Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng Cục Thuế, chia sẻ.
Nhờ được gia hạn nộp thuế, giảm tiền thuê đất, nhiều doanh nghiệp đã dần phục hồi trở lại. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Chính sách này ngay lập tức được cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng, bởi Nghị định 52 được ban hành đã tạo thêm nguồn lực để các doanh nghiệp và hộ kinh doanh vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Hết quý I năm nay, hơn 40.000 doanh nghiệp đã rời khỏi thị trường. Điều này cho thấy sức lực của cộng đồng doanh nghiệp đã suy yếu rất nhiều. Chính vì vậy, bất cứ chính sách hỗ trợ được ban hành đều rất được mong chờ, nhưng không chỉ trên giấy mà phải là thực hiện hiệu quả trên thực tế để tiếp sức cho doanh nghiệp
Thuế thu nhập doanh nghiệp và gia hạn thuế giá trị gia tăng là các sắc thuế có số thu lớn, ảnh hưởng nhiều đến dòng tiền của doanh nghiệp. Nhờ được gia hạn nộp thuế, giảm tiền thuê đất, nhiều doanh nghiệp đã dần phục hồi trở lại, tạo công ăn việc làm cho người lao động, mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Chính sách đã được đưa ra, nhưng quan trọng là thực hiện sao cho nhanh gọn, hiệu quả nhất là điều doanh nghiệp mong chờ lúc này.
So với các chính sách trước, Nghị định 52 lần này có gì khác? Dự kiến tổng số tiền được hoãn, giãn nộp thuế lần này là gần 115.000 tỷ đồng, điều này ảnh hưởng thế nào tới ngân sách?
Câu trả lời sẽ có phần nào trong chương trình Vấn đề hôm nay (21/4) với sự tham gia của bà Hoàng Thị Hà Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng Cục Thuế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!