Nghị quyết 115: Chìa khóa để giải bài toán "bu-lông, ốc vít"

VTV Digital-Thứ ba, ngày 18/08/2020 06:42 GMT+7

VTV.vn - Nghị quyết 115 về giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành.

Mục tiêu năm 2030, Việt Nam có 2.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đảm bảo cung ứng trực tiếp cho các đại bàng FDI, chiếm 14% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.

Với hàng loạt những giải pháp đã được cụ thể hoá như: Có cơ chế đặc thù cho ngành; Tiếp tục ưu đãi lãi suất, thậm chí nhà nước dùng nhiều nguồn vốn để cấp bù chênh lệch lãi suất cho doanh nghiệp; Tập trung nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, có kế hoạch quốc gia về nâng cao tay nghề cho nhân lực…, có thể nói, Nghị quyết 115 tạo thế mới để công nghiệp hỗ trợ tăng tốc.

Nghị quyết 115: Chìa khóa để giải bài toán bu-lông, ốc vít - Ảnh 1.

Nghị quyết 115 sẽ là động lực để ngành công nghiệp hỗ trợ bứt tốc?

Doanh nghiệp tự thân vận động vì chưa tiếp cận được chính sách

Các chính sách thời gian qua đã có, đã đặt nền móng cho sự phát triển, nhưng sự thay đổi đáng kể nhất đến nay mới dừng lại ở việc xác định lại công nghiệp hỗ trợ không phải là ngành "phụ trợ" mà đóng vai trò xương sống của nền công nghiệp. 

Năm 2015, Nghị định 111 ra đời, đã đề cập đến những ưu đãi, nhưng khi đi vào thực tế, việc khó tiếp cận chính sách khiến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ: muốn lớn thì phải tự thân vận động.

Ông Nguyễn Thọ, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Kỹ thuật Vĩnh Thọ, cho biết: "Trong quá trình làm thật sự có rất nhiều khó khăn, khó khăn đeo bám và tồn tại. Khi nói đến chế tạo, các ngành về phụ trợ thì đầu tiên là nguyên vật liệu, mà đa phần nguyên vật liệu phải nhập 100% từ nước ngoài, chỉ một phần nhỏ là trong nước nhưng không đáp ứng nhu cầu thị trường. Thứ hai là chính sách về thuế, ở đây chúng tôi làm nhưng phải cạnh tranh với một số nước như Trung Quốc. 

Trên thực tế giá thành nhập từ Trung Quốc về Việt Nam rất là rẻ, việc làm sao đảm bảo tồn tại của doanh nghiệp trong nước là vấn đề rất nan giải. Thứ ba là vấn đề về vốn, làm sao tổ chức được nguồn vốn là điểm khó khăn mà chúng ta không thể phát triển một cách nhanh nhất được".

Nghị quyết 115: Chìa khóa để giải bài toán bu-lông, ốc vít - Ảnh 2.

Nghị quyết 115 vừa ban hành được đánh giá đã "điểm trúng" những khuyết điểm, để ngành công nghiệp hỗ trợ bứt phs

Những chia sẻ của doanh nghiệp trên hiện vẫn tồn tại nhưng cú hích lớn từ Nghị quyết 115 vừa ban hành đã "điểm trúng" những khuyết điểm, để ngành xương sống bứt tốc, ví dụ như ngành công nghiệp ô tô.

Ông Keisuke Tsuruzono, Tổng Giám đốc Công ty Honda Việt Nam, cho biết: "Để tận dụng được tối đa những lợi thế của môi trường kinh doanh tại Việt Nam, chúng tôi đặt mục tiêu dài hạn là tăng cường nội địa hóa. Đối với doanh nghiệp cung cấp có kế hoạch tham gia vào chuỗi cung ứng của chúng tôi, việc nắm kỹ thuật, công nghệ từ những công đoạn đơn giản cho tới phức tạp, là rất cần thiết. 

Vì vậy, nếu có chính sách hỗ trợ các phụ tùng sản xuất trong nước, dù có giá trị thấp, thì đây sẽ là điểm khởi đầu để thúc đẩy sự lớn mạnh của ngành công nghiệp ô tô trong tương lai".

Doanh nghiệp Việt đón đầu cơ hội từ Nghị quyết 115

Nghị quyết 115: Chìa khóa để giải bài toán bu-lông, ốc vít - Ảnh 3.

Ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển sẽ giúp tăng tính cạnh tranh của các DN Việt

Với điều kiện của Việt Nam, việc có chính sách tốt giúp chúng ta đón dịch chuyển của FDI, qua đó còn tác động tích cực đến doanh nghiệp Việt, từ tiếp nhận chuyển giao công nghệ đến giúp doanh nghiệp dám nghĩ lớn.

Ông Nguyễn Thọ, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Kỹ thuật Vĩnh Thọ, cho biết: "Đối với Nghị quyết lần này, tôi rất là tâm đắc. Chúng tôi đã lên kế hoạch, chuẩn bị ngay phương án sắp tới. Đầu tiên chúng tôi phải chuẩn hoá doanh nghiệp, xây dựng hệ thống thật tinh gọn và hiệu quả. Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu thị trường để mở rộng quy mô sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường và đặc biệt là chú trọng trong công tác đào tạo con người".

Vốn phải tự thân vận động, nhưng giờ đã có thêm lực đẩy từ chính sách, doanh nghiệp nhìn thấy giới hạn rất xa mà mình có thể vươn đến.

Hiện một chiếc ô tô dù sản xuất tại Việt Nam nhưng hàm lượng linh kiện nội địa chỉ chiếm khiêm tốn 10%. Một chiếc máy ảnh, một dàn loa đắt giá làm ra tại Việt Nam nhưng phần Việt Nam chỉ nằm ở bao bì nilon, hộp carton hay vỏ nhựa. Nâng hàm lượng Việt Nam là đích đến, nhưng đích đến không chỉ có một. 

Nghị quyết còn hướng đến xây dựng những ưu đãi tạo thế cân bằng trên sân chơi, buộc các FDI nếu không nội địa hoá, họ sẽ mất đi sức cạnh tranh của mình trước những đối thủ Việt đang vươn lên. Có như vậy, vai trò thúc đẩy chung toàn ngành của Nghị quyết mới thực sự rõ nét. Những chính sách này càng có giá trị với doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn của dịch COVID-19.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ 'chớp thời cơ' từ dịch chuyển đơn hàng Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ "chớp thời cơ" từ dịch chuyển đơn hàng

VTV.vn - Những đơn hàng dồn dập đổ về từ doanh nghiệp nước ngoài về Việt Nam trong thời gian vừa qua là một tín hiệu chưa từng có tiền lệ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước