Nghị quyết 128 - “Đòn bẩy” giúp doanh nghiệp tăng tốc sản xuất

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 16/10/2021 13:38 GMT+7

VTV.vn - Nghị quyết 128 quy định hoạt động sản xuất được duy trì trong tất cả các cấp độ dịch khác nhau. Điều này đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất.

Tuần qua, cộng động doanh nghiệp được đón nhận nhiều thông tin tích cực. Các loại hình giao thông trọng yếu dần khôi phục tạo bước đệm cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", trong đó yêu cầu không để xảy ra tình trạng chia cắt, mỗi địa phương làm một kiểu trong phục hồi kinh tế - xã hội, với các tiêu chí cụ thể để phân loại 4 cấp độ dịch bệnh ở các tỉnh, thành: Cấp độ 1: Nguy cơ thấp - bình thường mới; Cấp độ 2: Nguy cơ trung bình; Cấp độ 3: Nguy cơ cao; Cấp độ 4: Nguy cơ rất cao.

Qua đó, các doanh nghiệp nắm được trạng thái hoạt động trong tình hình mới, với cấp độ nào thì doanh nghiệp thuộc ngành nào được hoạt động hay dừng hoạt động ("on" hay "off"), và "on" hay "off" ở mức độ nào. Những quy định được thống nhất như vậy trên toàn quốc giúp các doanh nghiệp có thể tự tin đưa ra các kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Riêng với các doanh nghiệp sản xuất, quy định cho phép trong cả 4 cấp độ, hoạt động sản xuất vẫn được duy trì ổn định, với điều kiện doanh nghiệp cần có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch bệnh.

Nghị quyết 128 giúp doanh nghiệp sản xuất, an toàn, ổn định

Tuần qua, cộng đồng đồng doanh nghiệp đều bày tỏ vui mừng về Nghị quyết 128 vừa ban hành. Bởi với các quy định mới này, doanh nghiệp sẽ thoát được nỗi lo hoạt động sản xuất có thể bị đứt gãy, ổn định tâm lý để sản xuất kinh doanh, tăng tốc cho kịp những đơn hàng cuối năm và vẫn đảm bảo sản xuất an toàn trong bối cảnh mới.

Nghị quyết 128 - “Đòn bẩy” giúp doanh nghiệp tăng tốc sản xuất - Ảnh 1.

Hiện các doanh nghiệp đang cấp tập tuyển dụng và tìm các biện pháp để thu hút lao động. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Ba tháng cuối năm là thời điểm để doanh nghiệp tận dụng cơ hội để tăng tốc sản xuất. Để sản xuất kinh doanh trở lại, yếu tố đầu tiên các doanh nghiệp phải tính đến là yếu tố con người. Nghị quyết số 128 như một cú hích cho các địa phương và doanh nghiệp giải quyết một phần quan trọng về nút thắt thiếu lao động, khi giao thông đi lại được thuận tiện thông suốt hơn, các địa phương sẽ tạm thời không áp dụng Chỉ thị 15, 16 và 19, nhân lực tại các nhà máy sẽ đầy đủ hơn.

"Khi các địa phương, doanh nghiệp thực hiện Nghị quyết 128, doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ chủ động trong quá trình sản xuất, việc bố trí lực lượng công nhân, lao động trong cơ sở chế biến sẽ có sự chủ động, như vậy đảm bảo được nguồn cung gạo, đáp ứng đơn hàng xuất khẩu", Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Quốc Toản cho biết.

Ngoài việc giao thông đi lại thuận tiện, các doanh nghiệp cũng tự tin hơn rất nhiều khi họ được chủ động các kế hoạch phòng chống dịch để có thể ứng phó trong tình huống xuất hiện ca bệnh như giải pháp y tế tại chỗ.

Các doanh nghiệp có thể bố trí một khu vực riêng để cách ly hay họ có thể làm việc trực tiếp với các bệnh viện để điều trị khi cần. Nhờ vậy, hiện các doanh nghiệp đang cấp tập tuyển dụng và tìm các biện pháp để thu hút lao động, đảm bảo hoạt động sản xuất được duy trì ổn định.

Bắc Ninh: Thu hút lao động tăng tốc sản xuất

Tại Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, những buổi tuyển dụng lao động mới đang diễn ra thường xuyên từng ngày. 

Các doanh nghiệp tận dụng nguồn lực tại chỗ, như việc vận động có trả phí hoa hồng cho công nhân giới thiệu được người thân, bạn bè vào làm việc, cùng với những chuyến xe đến các vùng xanh hay các tỉnh lân cận để tuyển dụng lao động.

"Chúng tôi nỗ lực và tìm mọi cách để tìm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Chúng tôi tạo điều kiện hỗ trợ cho lao động như chi phí đi lại, chi phí xét nghiệm, nhà ở, ăn uống", anh Nguyễn Đức Lân, Giám đốc công ty ở Bắc Ninh, cho hay.

Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh, trung bình mỗi ngày có khoảng trên 20 doanh nghiệp liên hệ tuyển dụng, sử dụng công nghệ thông tin kết nối với các địa phương, liên kết với các sàn giao dịch việc làm với nhiều tỉnh để tìm kiếm nguồn lao động an toàn

"Chúng tôi sẽ chú trọng công nhân lành nghề, có kỹ thuật, tay nghề cao, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số, ứng dụng công nghệ robot vào sản xuất",  Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang nhấn mạnh.

Tăng đãi ngộ để thu hút và giữ chân người lao động

Sự tự tin khi tái khởi động sản xuất của doanh nghiệp lần này còn được thể hiện rõ qua việc các doanh nghiệp sẵn sàng đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ để thu hút và giữ chân người lao động. Theo một công ty tuyển dụng nhân sự, để thu hút lao động, nhiều doanh nghiệp đã tăng 30% quỹ lương cho năm nay.

"Họ điều chỉnh mức lương tăng lên để lao động lành nghề có thể có mức thu nhập từ 8 - 13 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, các công ty bổ sung thêm các chế độ phúc lợi khác như cải thiện chất lượng bữa ăn hay tổ chức các hoạt động gắn kết người lao động. Bản thân người lao động cũng rất muốn có thông tin minh bạch, rõ ràng từ phía doanh nghiệp, đặc biệt trong gia đoạn COVID-19 khó khăn như hiện nay", bà Ngô Thị Ngọc Lan - Giám đốc miền Bắc của công ty nhân sự trên cho biết.

Nghị quyết 128 giúp doanh nghiệp tăng tốc sản xuất

Nghị quyết 128 đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp phải chuẩn bị cho phương án có xuất hiện ca nhiễm trong quá trình sản xuất. Vì vậy, trong quá trình đẩy mạnh sản xuất, các doanh nghiệp phải xây dựng quy trình, hệ thống phản ứng và trách nhiệm quản lý đảm bảo an toàn và yếu tố phòng dịch. Điều đó đảm bảo việc giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh hoặc can thiệp kịp thời khi có lao động nhiễm bệnh.

Tại một số khu công nghiệp ở thành phố Hà Nội, không khí sản xuất khẩn trương, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện ngày làm 3 ca, năng suất lao động hiện nay đã tăng gấp đôi so với tháng trước.

Nghị quyết 128 - “Đòn bẩy” giúp doanh nghiệp tăng tốc sản xuất - Ảnh 2.

Để thu hút lao động, nhiều doanh nghiệp đã tăng 30% quỹ lương cho năm nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

"Nhà máy chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng đẩy đủ máy móc, nhà xưởng, nguyên phụ liệu và công nhân. Nghị quyết 128 của Chính phủ mới ban hành sẽ là động lực để chúng tôi phát triển từ nay đến cuối năm. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị mở thêm một nhà máy nữa tại Hà Nội", một Giám đốc Nhà máy thực phẩm chia sẻ.

"Chúng tôi đã ổn định sản xuất, gần 700 công nhân đã quay lại làm việc với tâm lý ổn định. Giai đoạn vừa qua rất khó khăn, nhưng cũng đưa lại cho chúng tôi những kinh nghiệm quý giá. Chắc chắn chúng tôi sẽ tăng tốc trong giai đoạn sắp tới", một vị Tổng Giám đốc người Nhật Bản nhận định.

Còn với những doanh nghiệp trong nước, trong thời gian dịch bệnh, họ đã chấp nhận tăng thêm khoảng 20% chi phí để thực hiện phương án "3 tại chỗ" duy trì sản xuất, bù lại lượng công nhân luôn được ổn định. Từ nay đến cuối năm sẽ là mốc thời gian quan trọng để tăng tốc.

"Đây là một chỉ thị rất đúng, rất chính xác. Các doanh nghiệp sẽ tăng tốc trong 2 tháng còn lại của năm. Đến bây giờ chúng tôi đạt 87%, còn 13% nữa. Với đà này, chúng tôi có thể đạt kế hoạch", Chủ tịch Hội đồng quản trị của một công ty khẳng định.

Đại diện Ban Quản lý các khu Công nghiệp và Chế xuất TP Hà Nội cho biết, đến thời điểm này gần như 100% các doanh nghiệp trên địa bàn thủ đô đã ổn định sản xuất trở lại. Số lượng lao động đạt 95%. 

Nghị quyết 128 đang được thành phố Hà Nội ứng dụng linh hoạt vào thực tiễn, vừa đảm bảo phòng dịch vừa sản xuất an toàn. Các nhà máy, doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo các công tác phòng dịch như sát khuẩn, đeo khẩu trang, đồ bảo hộ, giữ khoảng cách an toàn.

Doanh nghiệp nỗ lực giành đơn hàng dịp cuối năm

Trong bối cảnh cả nước bắt đầu lộ trình thích ứng an toàn, kiên trì thực hiện mục tiêu kép, phấn đấu đưa cả nước chuyển sang trạng thái "bình thường mới" trong năm 2021, một sự chỉ đạo thống nhất để các ngành, các địa phương phối hợp nhịp nhàng là điều hết sức cần thiết. Từ đây, hoạt động phòng chống dịch bệnh cũng như hồi phục kinh tế của cả nước sẽ vào một guồng quay nhịp nhàng, nhờ vậy các doanh nghiệp có thể nắm bắt cơ hội, giành được các đơn hàng vào dịp cuối năm này khi nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế đều tăng cao.

Nghị quyết 128 - “Đòn bẩy” giúp doanh nghiệp tăng tốc sản xuất - Ảnh 3.

Vận chuyển gạo xuất khẩu tại Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ). (Ảnh: TTXVN)

Với 11 nhà máy chế biến trải khắp Đồng bằng sông Cửu Long, công suất sản xuất cũng đã phục hồi 70%. Thách thức lớn nhất là họ vừa sản xuất vừa giữ được an toàn dịch bệnh. Mục tiêu đến cuối năm xuất khẩu gần 200.000 tấn gạo sang châu Phi và Đông Nam Á.

"Chúng tôi duy trì mô hình "3 tại chỗ" và làm việc với các địa phương, nhờ sự hỗ trợ của lực lượng y tế địa phương, có phương an tổ chức sản xuất, tổ chức cho cán bộ, người lao động sinh hoạt và làm việc an toàn tại cơ sở", Tổng Giám đốc Tổng công ty lương thực miền Bắc Phan Xuân Quế cho biết.

Còn theo Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, doanh nghiệp đang phải chuẩn bị hàng trăm tỷ đồng để cung ứng vật tư cho bà con nông dân xuống giống vụ Đông Xuân tới đây. Theo họ, các ngân hàng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nguồn vốn cho chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Được vậy, chuỗi liên kết sẽ bền chặt, tránh đứt gãy trước tác động yếu tố dịch bệnh.

Các địa phương trọng điểm của ngành lúa gạo cũng cần ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân hoạt động trong ngành gạo, để sớm tăng thêm công suất chế biến tại nhà máy.

"Chúng tôi ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân nhà máy chế biến lúa gạo cũng như nhóm đối tượng công nhân trong các khu công nghiệp khác để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đạt được công suất từ 50 - 70%", Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư nhận định.

Ngoài ra theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ gạo khó tính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc.

Nghị quyết 128 - “Chìa khóa” giúp doanh nghiệp bắt nhịp phục hồi Nghị quyết 128 - “Chìa khóa” giúp doanh nghiệp bắt nhịp phục hồi

VTV.vn - Nghị quyết 128 do Chính phủ vừa ban hành là tin vui, giúp doanh nghiệp xác định rõ ràng trạng thái hoạt động trong bối cảnh mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước