Nghị quyết 43 - Cú hích cho phục hồi kinh tế sau đại dịch

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 18/01/2022 20:35 GMT+7

VTV.vn - Các doanh nghiệp và người dân đánh giá Nghị quyết 43 của Quốc hội vừa được thông qua là cú hích mạnh mẽ giúp nền kinh tế sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng sau đại dịch.

Với tổng quy mô lên tới 350.000 tỷ đồng, đây được xem là gói hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay và sẽ tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm và lao động; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và phát triển kết cấu hạ tầng, qua đó khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Đúng đối tượng và đúng thời điểm là nhận định chung về gói hỗ trợ này.

Có tới 96% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đã hoạt động bình thường, nhưng giờ vẫn chưa phải là thời điểm hết khó khăn. Thiếu vốn cho phục hồi sản xuất kinh doanh, trả lương, đóng bảo hiểm xã hội là tình cảnh chung của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vào lúc này. Chính vì vậy, các doanh nghiệp kỳ vọng rất nhiều vào gói hỗ trợ vừa được Quốc hội thông qua.

Nghị quyết 43 - Cú hích cho phục hồi kinh tế sau đại dịch - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp kỳ vọng rất nhiều vào gói hỗ trợ vừa được Quốc hội thông qua. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

"Chúng tôi vẫn đợi những gói hỗ trợ cụ thể, khẩn trương trong việc giải ngân cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp thuộc lực lượng yếu thế. Trong thời điểm này, nếu ta trợ giúp nhanh thì các doanh nghiệp sẽ giảm bớt đi việc phải đóng cửa phá sản", ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội Sản xuất công nghiệp chủ lực TP Hà Nội, cho biết.

"Lần này tôi tin là Chính phủ đã có sự nhìn nhận quyết liệt, không có chuyện nói xong là bỏ, nên sẽ có những giải pháp để thúc đẩy, giám sát kiểm tra phù hợp. Vấn đề còn lại là làm sao tiền có rồi, nhưng làm sao cho nó thông, không gây ra những điểm nghẽn", PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, gói hỗ trợ lần này có độ lan tỏa rất cao, phần lớn người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi nên sẽ kích thích mạnh tiêu dùng trong nước, qua đó quay trở lại thúc đẩy phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Giảm thuế để phục hồi sản xuất, kinh doanh

Một trong những điểm rất đáng chú ý trong Nghị quyết 43 của Quốc hội là sẽ giảm thuế giá trị gia tăng 2% kể từ tháng 2 đến hết năm cho một số hàng hóa dịch vụ hiện đang có thuế suất 10%.

Việc giảm thuế này được kỳ vọng sẽ giúp giá thành sản phẩm, dịch vụ giảm theo, từ đó kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Chính vì vậy, đây được xem là chính sách cần thiết để vực dậy nền kinh tế đang khó khăn do dịch COVID-19.

Theo tính toán của Tập đoàn Kangaroo, nếu được giảm 2% thuế giá trị gia tăng kể từ tháng 2, doanh nghiệp sẽ được giảm khoảng 1 tỷ đồng tiền thuế. Còn với người tiêu dùng, khi mua sản phẩm của doanh nghiệp này, giá sẽ giảm hơn 200.000 đồng nhờ việc giảm thuế.

"Khi họ trả tiền ít hơn sẽ kích thích nhu cầu của người tiêu dùng. Như vậy, công ty chúng tôi sẽ bán được nhiều hàng hơn và sản xuất được nhanh hơn", bà Trần Thị Định, Ban Tài chính, Tập đoàn Kangaroo, cho hay.

Việc giảm thuế giá trị gia tăng trước đây chỉ được thực hiện với một số hàng hóa, dịch vụ đặc thù, nhưng lần này đối tượng được thụ hưởng ở hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nên hiệu ứng đối với nền kinh tế là rất lớn.

"Giải pháp giảm thuế VAT này có ý nghĩa rất tích cực, bởi nó có thể triển khai được ngay, đi vào cuộc sống nhanh. Giảm mà cũng là tăng, bởi khi giảm người dân có động lực chi tiêu nhiều hơn, hoạt động sản xuất kinh doanh sôi nổi hơn. Khi các hoạt động kinh tế được thúc đẩy, phát triển hơn, thì họ lại đóng thuế", ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đánh giá.

Tuy nhiên, giảm thuế cũng cần có giải pháp để đảm bảo hàng hóa, dịch vụ có mức giảm tương ứng cho người mua mới phát huy hiệu quả như mong muốn. Cụ thể, khi mua hàng hóa, dịch vụ ở siêu thị hay doanh nghiệp, người tiêu dùng phải được giảm thuế trực tiếp trên hóa đơn mua hàng.

"Làm sao kiểm tra, kiểm soát được giá bán hàng hóa dịch vụ, đặc biệt là giá bán chưa có thuế để người tiêu dùng được thụ hưởng từ việc giảm thuế này, qua đó kích cầu tiêu dùng, từ đó kích thích sản xuất kinh doanh và đóng góp trở lại cho ngân sách Nhà nước", bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, nói.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, ngân sách năm 2022 sẽ hỗ trợ cho phần giảm 2% thuế giá trị gia tăng là 49.400 tỷ đồng.

Lạc quan tăng trưởng 2022

Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được ban hành trong bối cảnh tỷ lệ phủ vaccine cao, tốc độ tiêm chủng nhanh và chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh của Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Đây cũng là những nền tảng quan trọng để Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2022.

Nghị quyết 43 - Cú hích cho phục hồi kinh tế sau đại dịch - Ảnh 2.

Ngân hàng HSBC nhận định, kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

Nhiều dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam trong năm nay đã được các tổ chức này công bố với nhận định, GDP Việt Nam có thể tăng từ 6,5 - 6,8% trong năm 2022 này

Trong ấn bản bổ sung thường kỳ của Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2021 vừa công bố, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay ở mức 6,5%. Trong đó ADB nhấn mạnh, hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực tốt cho tăng trưởng.

"Những hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết đã mở ra rất nhiều cơ hội cho tiếp cận thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Sự phục hồi kinh tế của các nước cũng sẽ tạo ra nhu cầu nhập khẩu hàng hóa Việt Nam", ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, nhận định.

Về phần mình, Ngân hàng HSBC lạc quan hơn khi nhận định, kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm nay nhờ đầu tư nước ngoài tăng mạnh trở lại, tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất và phát triển xanh.

"Việt Nam tiếp tục sẽ là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài. Một điều rất tích cực là nhiều các dự án FDI tập trung vào phát triển xanh sẽ là những cơ hội mới và nó cũng sẽ hỗ trợ cho lĩnh vực chế tạo tại Việt Nam", Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam Tim Evans đánh giá.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến các lĩnh vực như: bán buôn, bán lẻ; vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống... bị ảnh hưởng, làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ cũng như toàn bộ nền kinh tế. Do vậy, việc xem xét giảm thuế giá trị gia tăng cho hàng loạt nhóm hàng hóa, dịch vụ kể từ tháng 2 được cho là đòn bẩy tốt để kích cầu tiêu dùng.

"Ngân hàng thế giới đánh giá cao việc Quốc hội Việt Nam mới đây đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Không giống như hầu hết các quốc gia khác, Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa đáng kể nên có thể nới lỏng mà không gây tác động lớn đến cân đối tài khóa", ông Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhấn mạnh.

Với quy mô gói hỗ trợ lên tới 350.000 tỷ đồng, điều quan trọng không chỉ là lấy lại đà tăng trưởng cao, mà còn là chất lượng tăng trưởng trong thời gian tới. Bởi vấn đề đặt ra vào lúc này là làm sao để nguồn lực hỗ trợ đi được đúng nơi, đúng đối tượng cần thiết, giúp cho tăng trưởng kinh tế thực chất và hiệu quả, tránh việc hỗ trợ đi vào những lĩnh vực không khuyến khích, tiền chảy vào các thị trường như bất động sản, chứng khoán, tạo bong bóng và rủi ro cho nền kinh tế.

Gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng: “Đòn bẩy” phục hồi kinh tế Gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng: “Đòn bẩy” phục hồi kinh tế

VTV.vn - Quốc hội đã thông qua gói chính sách tài khóa, tiền tệ lớn nhất từ trước đến nay, kéo dài trong 2 năm, với quy mô gần 350.000 tỷ đồng, để làm đòn bẩy cho phục hồi kinh tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước