Điều này đang tạo ra một nghịch lý, lãi suất tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo lại cao hơn lãi suất thương mại. Đây chính là nguyên nhân khiến cho nhiều gói tín dụng dành cho người nghèo gặp khó khăn trong giải ngân.
‘ Ảnh minh họa
Hơn 70% số hộ ở thôn Suối Biểu, xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên là hộ nghèo. Ở đây, có rất nhiều gia đình không có công trình nước sạch và cả nhà vệ sinh. Dù Ngân hàng Chính sách xã hội có hẳn một chương trình tín dụng để cho hộ nghèo vay xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh, nhưng người nghèo lại ngại tiếp cận với nguồn vốn từ chương trình này bởi những bất cập ở lãi suất cho vay.
Bà Văn Thị Gái, Phó Trưởng thôn Suối Biểu cho biết: “Thấy nói lãi suất giảm nhưng lãi suất của người nghèo, đặc biệt cho vay nước sạch không giảm, thậm chí còn cao ngất ngưởng đến 0,9%/tháng”.
0,9%/tháng (10,8%/năm) là mức lãi suất mà người dân phải trả nếu vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Còn lãi suất cho vay dành cho hộ nghèo cũng đang ở mức 0,65%/tháng (7,8%/năm) trong khi thời gian gần đây, nhiều ngân hàng thương mại tung ra gói tín dụng với lãi suất 8,5%, 7,77%, thậm chí 7,5%/năm. Lãi suất cao, trong khi giá nông sản luôn bấp bênh, năm sau hạ hơn năm trước nên người dân vẫn khó thoát nghèo.
Thực tế cho thấy, lãi suất tín dụng ưu đãi cao hơn lãi suất thị trường đang tạo ra tình trạng khó giải ngân vốn vay ưu đãi. Ngoài chương trình cho vay học sinh, sinh viên đã giải ngân theo đúng kế hoạch, còn lại các chương trình cho vay khác như nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn vẫn khó giải ngân dù vốn được phân bổ.
Và với thực tế này cũng cần phải xem xét lại trong chính sách điều hành tiền tệ hiện nay để người nghèo có thêm cơ hội được vay vốn, thoát nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống.