Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ GTVT, tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế Nhà nước thu phí đối với các tuyến đường Nhà nước đầu tư. Mục tiêu nhằm có nguồn vốn để tái đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.
Trước đó, vào năm 2020, đề án thu phí tại các tuyến đường do Nhà nước đầu tư thông qua các trạm thu phí cũng đã được Bộ GTVT nghiên cứu xây dựng.
Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trước mắt sẽ tập trung nghiên cứu phương án thu phí tại các dự án có yêu cầu cấp bách như cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, tuyến La Sơn - Túy Loan và 6 dự án thành phần, theo hình thức đầu tư công của cao tốc Bắc - Nam. Tuỳ vào từng dự án sẽ có mức thu và thời gian thu phí khác nhau.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ GTVT, tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế Nhà nước thu phí đối với các tuyến đường Nhà nước đầu tư. Ảnh minh họa - VGP.
Cần thiết thu phí tại các tuyến đường Nhà nước đầu tư
Mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ phải có 5.000 km đường cao tốc. Điều này cũng đồng nghĩa, trong 10 năm tới sẽ có gần 4.000 km đường cao tốc nữa phải được đầu tư xây dựng. Như vậy, nguồn lực và tiến độ triển khai được đánh giá là phải gấp đến 8 lần, so với con số đã thực hiện trong 20 năm qua.
Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, việc thu phí tại các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ giúp có thêm nguồn vốn, để tiếp tục đầu tư các dự án cao tốc khác.
Việc thu phí tại các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ giúp có thêm nguồn vốn, để tiếp tục đầu tư các dự án cao tốc khác. Ảnh minh họa - Dân trí.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sắp tới cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương sẽ thu phí trở lại. Bên cạnh đó, 2 đoạn cao tốc đầu tiên đầu tư bằng vốn Ngân sách thuộc cao tốc Bắc - Nam dự kiến cũng sẽ thu phí vào cuối năm nay đó là đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn.
Có 4 phương thức thu phí có thể được áp dụng:
- Một là Nhà nước đứng ra trực tiếp thu;
- Hai là cho doanh nghiệp thuê lại kết cấu hạ tầng để tổ chức thu phí;
- Ba là Nhà nước chuyển nhượng hạ tầng có thời hạn;
- Bốn là bán thương quyền thu phí cho doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, phương án đang được ưu tiên nghiên cứu là Nhà nước sẽ đứng ra thu phí trực tiếp trong khoảng 5 năm đầu để có căn cứ xác định doanh thu một cách minh bạch và rõ ràng.
Từ đó tiến tới bán quyền thu phí cho doanh nghiệp trong một thời gian phù hợp. Mục tiêu để tránh gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!