Một tháng qua là một cuộc chiến dai dẳng giữa chính phủ Argentina và các chủ đầu tư. Hiện tại, hai bên vẫn cố gắng tiến hành các cuộc thương thuyết nhằm tránh cho Argentina một cái kết không mong muốn là vỡ nợ quốc gia. Tuy nhiên, các cuộc thương thuyết này vẫn chưa cho kết quả mong đợi.
Ngay lúc này, một bầu không khí u ám đang bao trùm lên Thủ đô Buenos Aires. Tất cả mọi người đều cảm thấy lo lắng trước viễn cảnh kinh tế của đất nước. Với cô Mercedes, một bà mẹ có 3 con, thì việc vỡ nợ quốc gia không phải là vấn đề của riêng Chính phủ mà chính miếng cơm manh áo của mẹ con cô đang bị đe doạ.
Cô Mercedes, người dân Buenos Aires cho biết: “Nếu đất nước vỡ nợ, mọi thứ sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Tôi sẽ phải nhịn ăn nhịn mặc. Các con của tôi sẽ phải chuyển tới những ngôi trường rẻ hơn nhưng chất lượng thấp hơn. Tất cả mọi thứ sẽ bị đảo lộn”.
Nền kinh tế
Argentina vốn đã ở trong tình trạng bấp bênh trong thời gian qua. Hiện tại việc chính phủ nước này đang thắt chặt kiểm soát tỷ giá hối đoái cũng đang gây ảnh hưởng tới khả năng đầu tư của các doanh nghiệp tại đây.
Ông Matias Tambolini, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Khi USD tăng giá, các doanh nghiệp tại Argentina sẽ khó mà mở rộng làm ăn do giá cả mọi thứ tăng cao. Trong khi đó, chỉ số lạm phát đã tăng 12% kể từ đầu năm đến nay. Mặc dù vậy, khả năng Argentina phải đối mặt với bạo loạn biểu tình như năm 2001 là rất khó xảy ra, nhưng nếu ngày mai đất nước này vỡ nợ, đây vẫn sẽ là một cơn bão kinh tế có sức tàn phá cao đối với người dân”.
Ông Norberto Garcia, chủ doanh nghiệp đồ chơi tại Argentina chia sẻ: “Xưởng của tôi mất 10 năm để gây dựng lại kể từ suy thoái năm 2001. Nhưng với tình trạng vỡ nợ gần kề, tôi không dám mở rộng xưởng làm ăn nữa. Thay vì 10 dự án thì chúng tôi chỉ còn đủ tiền đầu tư cho 3 dự án. Tôi chỉ hy vọng qua được năm nay”.
Ông Norberto chỉ là một trong hàng triệu người Argentina đang lo lắng dõi theo nhất cử nhất động của phán quyết tại toà án tối cao của Mỹ sẽ diễn ra trong ngày hôm nay (31/7).