Một quầy kinh doanh quần áo ở Mỹ. Ảnh: NYT
Bất chấp việc lạm phát tăng kỷ lục trong gần 4 thập kỷ cùng những khó khăn trong chuỗi cung ứng và lo ngại về biến thể Omicron, người tiêu dùng Mỹ vẫn mạnh tay chi tiền mua sắm trong mùa lễ cuối năm.
Theo dữ liệu từ Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF), chỉ riêng trong tháng 11, doanh số bán lẻ đã tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, tháng tăng thứ tư liên tiếp.
Tính trung bình, mỗi một người tiêu dùng Mỹ trong 2 tháng cuối năm sẽ chi 998 USD. Qua đó đưa doanh số bán hàng trong đợt mua sắm bận rộn nhất năm có thể đạt 860 tỷ USD.
Chỉ số về tâm lý người tiêu dùng được đo lường bởi cuộc khảo sát của Đại học Michigan về cách người Mỹ nhìn nhận tình trạng chung của nền kinh tế, đã tăng vào tháng 12 sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ vào đầu tháng 11. Những người được khảo sát chỉ ra lạm phát là vấn đề nghiêm trọng nhất mà đất nước phải đối mặt.
Trên hết, người tiêu dùng Mỹ cảm thấy các danh mục bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lạm phát là thực phẩm và nhiên liệu. Những điều này không nhất thiết ngăn cản họ mua quà tặng nhau. Cùng với đó, những lo ngại ngày càng tăng về biến thể Omicron cũng khó có thể làm giảm sức mua cuối năm.
Giám đốc điều hành của NRF Matthew Shay dự đoán doanh số bán hàng vào dịp lễ, tức trong suốt tháng 11 và tháng 12 có thể tăng tới 11,5% so với năm 2020.
Thứ Bảy cuối cùng trước lễ Giáng sinh - được gọi là "Siêu thứ 7 - Super Saturday" - thường là một trong những ngày mua sắm bận rộn nhất trong năm khi người tiêu dùng đổ xô mua những món quà trước lễ Noel.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!