Người nuôi biển cần vốn khôi phục sau bão

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 17/09/2024 10:01 GMT+7

VTV.vn - Theo thống kê ban đầu, toàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng, đã có gần 12.000 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng dư nợ ước tính gần 26.000 tỷ đồng.

Ngoài hàng trăm người thiệt mạng, bão số 3 gây thiệt hại 40.000 tỷ đồng, ước giảm khoảng 0,15% GDP năm nay. Các trang trại, hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại hầu hết địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3 đều chịu thiệt hại nặng nề nhất, cần nhiều nguồn lực, thời gian để tái đàn, tái vụ, tái sản xuất.

Người nông dân ở 20 tỉnh thành trong tổng số 25 tỉnh thành miền Bắc đã chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu sau bão. Tính đến 12h ngày 16/9, thiệt hại về nông nghiệp được thống kê đã ở mức rất lớn: hơn 190.000ha lúa; 48.700ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; hơn 31.000ha cây ăn quả bị hư hại; hơn 3.200 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 21.700 con gia súc, 2,6 triệu con gia cầm bị chết.

Đây mới là những thống kê ban đầu về số lượng, còn về giá trị thiệt hại tính bằng tiền của 3.269 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản và gần 22.000 con gia súc, hơn 2,6 triệu con gia cầm bị chết thì chưa thể tính toán hết được. Theo ghi nhận mới đây của phóng viên tại tỉnh Quảng Ninh, nơi tâm bão đi qua. Nhiều gia đình đã vay vốn ngân hàng hàng tỉ đồng để đầu tư nuôi thủy sản lồng bè, giờ không ít người trong số họ đã mất trắng.

Những ụ gỗ, tre, lồng thả trôi nổi là tài sản còn sót lại của bà con ngư dân sau khi cơn bão đi qua. Không ai nghĩ chỉ cách đây 1 tuần, khu vực này đầy ắp những bè cá lớn, nhỏ.

Hàng trăm lồng bè nuôi trồng thủy sản của bà con ở Tân An, Quảng Yên, Quảng Ninh đã bị tiêu tan sau cơn bão số 3. Cùng với đó là hàng trục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng vốn tự có cũng như vốn vay từ ngân hàng của bà con ngư dân cũng bị cuốn trôi theo cơn bão.

Bà Thúy có 60 lồng bè nuôi cá trên biển, với khoảng hơn 90 tấn cá sắp đến kỳ thu hoạch. Nhưng cơn bão số 3 vừa qua đã cuốn trôi sạch sẽ. Thứ còn lại chỉ là những mảnh vỡ vụn trôi nổi trên biển. 12 tỷ đồng mất sạch chỉ sau 1 cơn bão.

"Tôi có 60 ô, mỗi ô 500 con, mỗi con tầm 3kg, vừa rồi kéo lồng bè của tôi không còn một cái gì, sạch banh bách", bà Ngô Thị Thuý, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh chia sẻ.

"Tôi mất 14 - 15 tỷ, không biết cái nào của nhà mình nữa, từ hôm qua đến giờ cứ đi tìm. Bây giờ làm gì ra tiền để trả nợ", ông Vũ Mạnh Cường, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh chia sẻ.

Theo thống kê ban đầu, toàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng, 2 địa phương nằm trong tâm bão số 3, đã có gần 12.000 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng dư nợ ước tính gần 26.000 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực nông – lâm - thuỷ sản ước tính bị thiệt hại tới 3.500 tỷ đồng

Khó khăn trong khắc phục thiệt hại chăn nuôi

Người nuôi biển cần vốn khôi phục sau bão - Ảnh 1.

Hơn 21.700 con gia súc, Hơn 2,6 triệu con gia cầm bị chết sau bão, thiệt hại quá lớn nên nhiều hộ chăn nuôi cũng đang gặp nhiều khó khăn về vốn để xây dựng lại chuồng trại, mua con giống và thức ăn.

Bên cạnh thủy sản, chăn nuôi cũng thiệt hại nghiêm trọng do ảnh hưởng của bão số 3. Hơn 21.700 con gia súc, Hơn 2,6 triệu con gia cầm bị chết. Do thiệt hại quá lớn nên nhiều hộ chăn nuôi cũng đang gặp nhiều khó khăn về vốn để xây dựng lại chuồng trại, mua con giống và thức ăn chăn nuôi.

Hậu quả cơn bão số 3 rất nặng nề với hạ tầng chăn nuôi. Tại xã Tân Viên, tất cả các trang trại bị tốc mái đổ tường, để khôi phục địa phương rất cần điện nhưng hiện hàng chục cột điện cũng đổ, để có điện trở lại cũng phải mất 1-2 tuần.

Đã 4 ngày trại lợn không có mái, gặp mưa sức khoẻ đàn vật nuôi yếu dần, nhất là lợn nái. Anh Đạt đang nỗ lực để có thể đảm bảo một số hoạt động tối thiểu duy trì những con còn lại sau thiệt hại quá lớn.

"Vịt chết 2.000 con do đổ sập nhà, còn lợn sập hết 2 mái, ngói nó phang vào lợn nái, lợn con gãy chân phải bán loại", anh Lương Văn Đạt, chủ trại lợn xã Tân Viên, An Lão, Hải Phòng chia sẻ.

60 trại chăn nuôi ở Tân Viên với số lượng cả trăm ngàn con đang ở tình thế nan giải khi các huyện tỷ lệ có điện, nước mới chỉ đạt 10%-65%. Với 5 trại lợn bị tốc mái, hộ anh Lợi đang dùng máy phát để duy trì cho 3 chuồng nuôi trong điều kiện giật gấu vá vai.

"Mua vật liệu là cực kỳ khó khăn, từng viên ngói đi góp nhặt từng đại lý mà không có, nếu tạnh ráo còn vớt vát, cứ mưa thế này mất trắng, thứ 2 là điện không có, chưa biết bao giờ có lại, như nhà tôi dùng máy phát điện một ngày tiêu tốn 3-4 triệu tiền dầu/máy", anh Nguyễn Bá Lợi, chủ trại lợn xã Tân Viên, An Lão, Hải Phòng chia sẻ.

Ông Tống Xuân Chinh - Phó cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Thiệt hại về gia súc gia cầm mới chỉ là ban đầu. Hải phòng tính từ sáng 500.000 con, chiều đã là 700.000 con, chi tiết con số là rất lớn ở 28 tỉnh, Cục Chăn nuôi đang đôn đốc, khôi phục đàn vật nuôi sau bão này tốt nhất".

Trại gà 1,2 vạn con sau ngập nước kéo dài 1,5 ngày, đến giờ đã có một nửa bị chết. Sau tình trạng tốc mái, sập tường, thì ngập nước, lũ quét, sạt lở sẽ còn tiếp tục đe dọa đàn vật nuôi tại các tỉnh phía Bắc.

Theo nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, trường hợp khách hàng bị thiệt hại về vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay do hậu quả thiên tai xảy ra trên phạm vi rộng được khoanh nợ tối đa là 2 - 3 năm và các khoản nợ khoanh được giữ nguyên nhóm nợ. Đó là với trường hợp người dân vay vốn ngân hàng. Thế nhưng, trên thực tế nhiều hộ chăn nuôi tự huy động vốn. Do đó khó khăn của họ sẽ lớn hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước