Người tiêu dùng thắt chặt "hầu bao", doanh nghiệp tìm cách thích nghi và kích cầu

Kate Trần-Thứ tư, ngày 19/06/2024 19:19 GMT+7

Kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

VTV.vn - Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng thắt chặt "hầu bao". Còn doanh nghiệp thì tìm mọi cách để thích nghi và kích cầu.

Xu hướng tiêu dùng thay đổi mạnh

Theo số liệu được dẫn ra tại “Diễn đàn xu hướng tiêu dùng Việt Nam” được tổ chức sáng 19/6, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 5/2024 ước đạt 519,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 9,9%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 9,0%; may mặc tăng 9,3%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 17,0%; du lịch lữ hành tăng 34,3%.

Người tiêu dùng thắt chặt hầu bao khiến việc bán hàng của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Ngay cả các nhãn hiệu lớn cũng gặp khó khăn trong việc tăng trưởng. Theo Worldpanel Division, trung bình thị phần của top 5 nhãn hiệu lớn nhất trong mỗi ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đều giảm ở cả khu vực thành thị (từ 72% năm 2019 xuống còn 67% năm 2024) và nông thôn (từ 77% năm 2019 xuống còn 65% năm 2024).

Đánh giá về tình hình tiêu dùng trên thị trường, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) cho hay, thời gian qua, chúng ta chứng kiến những điều chỉnh đáng kể trong tiêu dùng. Người dân có xu hướng cắt giảm mức chi tiêu không cần thiết, hạn chế mua hàng, nhất là thay đổi phương thức và lựa chọn xoay sở với ngân sách thu hẹp hơn so với trước đây. 

Điều đáng lo, Việt Nam đang giai đoạn phục hồi, còn khá khó khăn. Tốc độ tăng tiêu dùng giảm khá mạnh trong khi đây là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. "Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2024 giảm nhẹ 0,1% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng, đi lại của người dân giảm sau kỳ nghỉ lễ dài của tháng trước. Tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2024 chủ yếu nhờ vào nguồn thu từ du khách nước ngoài tăng đến hơn 34% so với cùng kỳ", ông Thành nhấn mạnh.

Người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, doanh nghiệp tìm cách thích nghi và kích cầu - Ảnh 2.

Chuyên gia giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Chia sẻ về vấn đề này, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty TNHH NielsenIQ Việt Nam cho biết các nghiên cứu người tiêu dùng 2024 của NielsenIQ cho thấy người tiêu dùng khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang gặp áp lực về việc chi phí sinh hoạt tăng, dẫn tới việc người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu các mặt hàng tùy ý để cân bằng chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu, đồng thời đưa ra những quyết định mua sắm cẩn trọng hơn. Theo đó, 89% người tiêu dùng tìm kiếm mức giá thấp hơn, 72% giảm tổng chi tiêu.

Ở Việt Nam, theo NielsenIQ, 36% người tiêu dùng lo ngại về tình hình suy thoái kinh tế và 25% lo ngại về việc mất an ninh, mất việc làm. Họ cũng cảm nhận được tác động của lạm phát thông qua việc tăng giá bán hàng hóa. Người trẻ (18-25 tuổi) cải thiện tình hình tài chính bằng cách tăng thu nhập và chi tiêu tiết kiệm hơn, nhóm người lớn tuổi (46-55 tuổi) có xu hướng cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng không cần thiết. 62% người tiêu dùng Việt Nam cũng lựa chọn nấu ăn tại nhà nhiều hơn.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhận định, tuy người tiêu dùng đang giảm tần suất mua sắm, nhưng lại mua tại nhiều kênh hơn với mức chi tiêu trung bình cho mỗi lần mua sắm cũng tăng lên. Điều này khiến việc thu hút và xây dựng lòng trung thành của khách hàng trở nên khó khăn hơn.

Bổ sung thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Khối kinh doanh Kantar Việt Nam chia sẻ , xu hướng mua sắm hiện đại và đa kênh khiến cho các nhà sản xuất ngày càng khó thu hút người mua và giữ chân họ. Các nhãn hiệu lớn cũng gặp khó khăn trong việc tăng trưởng.

Còn theo ông Tạ Mạnh Cường - đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), sự thay đổi trong thị phần của các kênh mua sắm từ các kênh truyền thống sang nền tảng thương mại trực tuyến hiện đại, đặc biệt là ở thành thị đã và đang trở thành cơ hội, thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Lo ngại về suy thoái kinh tế, mất việc làm khiến người tiêu dùng giảm mua sắm, sử dụng các dịch vụ không thiết yếu. Điều này tác động trực tiếp tới doanh thu của các nhãn hàng phục vụ tiêu dùng.

Cần linh hoạt thích nghi và sáng tạo "kích cầu"

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cũng phải thay đổi chiến lược để tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả hơn, cung cấp các giải pháp phù hợp và tạo sự hài lòng cho người tiêu dùng.

Đưa ra giải pháp về vấn đề này, bà Nga phân tích, dù đã có những cải thiện đáng kể, 5/10 người tiêu dùng cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn và tình hình này sẽ kéo dài ít nhất từ 6 tháng tới 1 năm nữa. 

"Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng xem việc tìm kiếm ưu đãi trực tuyến như một cách hiệu quả để cắt giảm chi tiêu cho việc mua sắm hàng tạp hóa. Vì thế, doanh nghiệp cần quan tâm và khai thác hiệu quả kênh thương mại điện tử để gia tăng doanh số", bà Nga nhấn mạnh.

Có thể thấy, hiện nay kênh bán lẻ đã có sự thay đổi từ các kênh truyền thống sang nền tảng thương mại và trực tuyến hiện đại, đặc biệt ở thành thị. Theo Kantar, kênh online hiện đang đóng góp 8% vào tổng giá trị thị trường FMCG và dự kiến tăng thêm 2 điểm thị phần trong 2 năm tới. Điều này mở ra cơ hội cho các thương hiệu, nhất là thương hiệu nhỏ tiếp cận nhiều người mua sắm hơn một cách nhanh chóng.

Đặc biệt kênh trực tuyến ở nông thôn ngày càng tiếp cận thêm nhiều người mua mới, tăng gần 10% số hộ gia đình mỗi năm. Đây là cơ hội cho các nhà sản xuất tiếp cận với người mua sắm nông thôn một cách nhanh chóng và thuyết phục họ mua sản phẩm. Song, doanh nghiệp không chỉ nên theo dõi xu hướng mà việc xây dựng chiến lược đa kênh cho từng ngành hàng, nhãn hàng là vô cùng quan trọng.

Bên cạnh đó, theo ông Thành, việc bám sát các nguồn dữ liệu nghiên cứu thị trường uy tín, với những phân tích cụ thể, sâu sát các biến động trong hành vi người tiêu dùng chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp tìm ra lời giải đúng cho bài toán trên, từ đó gia tăng sức cạnh tranh, bứt phá thành công.

Trong khi đó, ở khía cạnh khác, ông Cường khuyến nghị các doanh nghiệp cần nắm bắt được các quy định, chính sách, pháp luật trong nước, quốc tế về tiêu dùng; xác định xu hướng, hành vi tiêu dùng theo từng ngành hàng. Đặc biệt, cần chú trọng thiết kế, phát triển sản phẩm và xây dựng và phát triển thương hiệu.

Kéo theo đó, để nhanh chóng nắm bắt hành vi khách hàng, ông Lê Hùng Cường, Phó Tổng Giám đốc FPT Digital khuyên doanh nghiệp nên tận dụng sự phát triển của các công nghệ mới để tạo ra các cơ hội chuyển đổi hoạt động bán lẻ. 

Đơn cử như việc sử dụng dữ liệu giúp doanh nghiệp siêu cá nhân hóa bán lẻ, cho phép hoạt động mua sắm có thể tương tác theo thời gian thực và đề xuất sản phẩm phù hợp nhất của khách hàng, tăng khả năng mua hàng, giảm tỉ lệ hoàn hàng...

Thêm vào đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh về yếu tố con người. Doanh nghiệp cần có các kế hoạch đào tạo, truyền thông nhận thức về chuyển đổi số cho nhân sự ngay từ giai đoạn đầu, đồng thời định hướng xây dựng văn hóa số xuyên suốt trong doanh nghiệp.

Mặt khác, cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2024 vừa được WB công bố cho thấy, nhu cầu tiêu dùng quốc tế đang phục hồi nhưng trong nước vẫn yếu. Cụ thể, Ngân hàng Thế giới cho rằng, trong khi nhu cầu quốc tế đang có dấu hiệu phục hồi, thì diễn biến của cầu trong nước, đặc biệt là tiêu dùng, có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa chắc chắn. Chính phủ đã thực hiện một số giải pháp hỗ trợ nền kinh tế trong nước, tuy nhiên trước bối cảnh đồng USD mạnh, việc giảm lãi suất để hỗ trợ đầu tư có thể làm tăng áp lực lên tỷ giá, do vậy WB khuyến nghị cần tiếp tục hỗ trợ tổng cầu thông qua chi đầu tư.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước