Nhiều nhà vườn, người bán hoa tại TP Hồ Chí Minh như “ngồi trên đống lửa” vì lo ế hàng.
Vợ chồng anh Huỳnh Ngọc Sơn ở tỉnh Khánh Hòa đang tất bật vận chuyển khoảng 2.000 chậu cúc đại đóa về TP Hồ Chí Minh để tham gia Hội chợ hoa Xuân tại công viên Gia Định (quận Gò Vấp) phục vụ thị trường Tết Nguyên Đán 2021. Anh Sơn cho biết, Tết Nguyên đán những năm trước việc mua bán hoa diễn ra khá nhộn nhịp, nhưng năm nay lại vắng tanh. Nhìn những chậu hoa đại đóa cao quá đầu người, đẹp nhất nhì khu vực trưng bày nhưng rất ít khách hỏi thăm khiến vợ chồng anh lo lắng.
"Để có được những chậu hoa tốt như thế này, nhà nông chúng tôi mất cả năm trời đúc chậu, nhân cây giống. Cuối năm chỉ trông chờ những ngày này để thu hồi vốn và trang trải cho năm tiếp theo. Nếu như dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh, chúng tôi không biết phải xoay xở như thế nào. Hiện giờ chúng tôi rất lo lắng".
Cùng chung nỗi lo lắng, anh Vũ Văn Phước (ngụ ở Hải Dương) cho biết, mới vận chuyển đào Bắc vào TP Hồ Chí Minh để bán Tết. Năm nay, anh Phước chuyển đào vào sớm hơn 3-4 ngày vì e ngại dịch COVID-19 khiến việc đi lại gặp khó khăn. Anh Phước cũng chỉ kinh doanh những cây đào Nhật Tân nhỏ, giá vài trăm nghìn đồng thay vì đào cổ thụ giá hàng chục triệu đồng như năm trước.
"Năm nay tôi đem đào vào sớm hơn để tránh việc dịch bệnh lại lây lan. Hơn nữa, quá trình chuyển đào từ Bắc vào Nam qua rất nhiều chặng, nếu tiểu thương bị sốt thì khả năng cao là không thể tiếp tục vận chuyển đào. Mọi năm, tôi đem vào từ 30-40 cây đào to nhưng năm nay không dám đem nhiều, chỉ tầm 15-20 cây và tăng cường mang những cây đào nhỏ giá bình dân từ 500-600 nghìn đồng sẽ dễ bán hơn".
Không chỉ người bán hoa lo lắng mà nhiều nông hộ ở TP Hồ Chí Minh đang "đứng ngồi không yên". Gắn bó với nghề trồng hoa hàng chục năm nay, anh Nguyễn Hữu Hiếu - một nông hộ trồng hoa Tết truyền thống ở làng hoa Thới An (Quận 12) cho biết chưa năm nào vất vả như năm nay. Chăm sóc, vun trồng gần 8.000 chậu hoa cúc, hoa hồng, mào gà,… nhiều tháng trời ròng rã tuy nhiên đến thời điểm này lượng hoa được thương lái đặt mua không đáng kể, chỉ khoảng 30%. Lo lắng, tiếc công, anh Hiếu và gia đình đã tự mang số hoa còn lại bày bán bên đường Lê Thị Riêng. Tuy nhiên, hai ngày qua cũng chỉ mới bán được vài chậu.
"Mua bán không được thì chúng tôi coi như mất luôn cái Tết này. Đối với những người bán hoa mai, nếu năm nay không bán được thì năm sau chăm sóc rồi tiếp tục bán tiếp. Còn hoa hồng, cúc, vạn thọ hết mùa thì chúng tôi chỉ đem đi bỏ. Vốn liếng đầu tư bị thâm hụt không thể lấy lại, nông dân khổ lại càng khổ hơn", anh Hiếu cho hay.
Do năm nay nhuận (âm lịch có 13 tháng) nên hơn nửa vườn mai của gia đình ông Nguyễn Văn Thanh chủ vườn hoa kiểng ở phường Thạnh Xuân (Quận 12) nở sớm hơn kế hoạch. Xót xa vì mai nở sớm cộng với dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ông Thanh chẳng còn mặn mà tham gia các hội chợ hoa Xuân, một phần vì lo ngại dịch bệnh, một phần ông dự đoán được thị trường hoa Tết trầm lắng, sức tiêu thụ chậm.
"Lượng khách năm nay đến vườn cũng ít, hầu như không có. Thường thường thời điểm này các cơ quan, doanh nghiệp đã đến vườn đặt hàng nhưng năm nay không có nên tham gia chợ cũng sợ. Phần lớn những cây đắt tiền là dành cho các công ty, cơ quan giờ mà chở ra chợ chỉ tốn thêm khoản phí thôi chứ chắc không có người mua đâu. Vì thế, tôi quyết định để lại vườn cho chắc ăn, chứ chi phí vận chuyển, thuê bãi còn chết nữa".
Cùng với nỗi lo do dịch bệnh COVID-19 gây ra, người trồng, bán hoa Tết còn nỗi lo khác là tâm lý người mua chờ đến 30 Tết để ép giá. Tết Nguyên đán Tân Sửu đang cận kề, với sức tiêu thụ như hiện nay, nhiều nhà vườn, tiểu thương bán hoa lo lắng nguy cơ không có Tết là hiện hữu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!