Ảnh minh họa. (Nguồn: VOV)
Theo Báo cáo của Chính phủ vào cuối tháng 3 vừa qua, nợ công (bao gồm nợ của doanh nghiệp Nhà nước, nợ của chính quyền địa phương) của Việt Nam đã chiếm 65% GDP, riêng nợ nước ngoài của Chính phủ đã vượt ngưỡng 50% cho phép. Còn trong báo cáo mới nhất điểm lại nửa chặng đường của năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá rủi ro nợ công vượt trần (65% GDP) đang dần hiện hữu.
Thực trạng sử dụng ngân sách không hiệu quả như: Dự án đạm Ninh Bình phải bỏ dở chừng vì đầu tư 12.000 tỷ đồng, mỗi năm lỗ 2.000 tỷ đồng. Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng) đã chi 7.000 tỷ đồng đến nay vẫn đắp chiếu. Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) khởi công tháng 10/2011, dự kiến hoàn thành vào năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa đi vào sử dụng mà vốn đã đội vốn gần 7.000 tỷ đồng.
Báo cáo kiểm toán năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, mỗi năm Tổng Công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) lỗ 3.400 tỷ đồng; Tổng Công ty Xây lắp dầu khí lỗ 3.500 tỷ đồng; Binh đoàn 15 lỗ 470 tỷ đồng.
Các chuyên gia cho rằng, các khoản nợ trong nước của các doanh nghiệp này thường được Chính phủ hỗ trợ dưới các hình thức bổ sung vốn, khoanh nợ, giãn nợ, chuyển nợ, xóa nợ và để bù đắp phần chi tiêu ngân sách cho khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Theo số liệu mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bội chi đã lên đến 111.300 tỷ đồng. Như vậy, Chính phủ sẽ buộc phải phát hành trái phiếu cũng khiến nợ công tăng cao.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!