Nguyên nhân Mỹ để ngỏ ý định mua lại Greenland từ Đan Mạch

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ tư, ngày 21/08/2019 18:04 GMT+7

Greenland, một lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, là nơi đặt căn cứ không quân Thule, căn cứ xa nhất ở phía Bắc của quân đội Mỹ. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Trong một diễn biến gây bất ngờ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vừa tuyên bố hủy cuộc gặp với Thủ tướng Đan Mạch dự kiến diễn ra vào 2 tuần tới.

Đáng ngạc nhiên hơn nữa là trên Twitter, ông Trump cho rằng chính việc giới chức Đan Mạch "không hứng thú" với ý định mua đảo Greenland của ông là lý do cho quyết định này.

Dù cách đây ít ngày, vị Tổng thống cho biết Greenland không phải là ưu tiên số 1 của ông hiện nay nhưng có lẽ động thái mới nhất này cũng cho thấy, chính quyền Mỹ không hề coi nhẹ ý tưởng này, khi việc có được hòn đảo lớn nhất thế giới có thể đem lại những lợi ích không nhỏ với nước Mỹ trong dài hạn.

Ý định mua lại Greenland của Tổng thống Mỹ đã rộ lên từ hơn 1 tuần qua nhưng không hề có một thông tin chính thức nào cho đến khi cố vấn kinh tế Larry Kudlow thừa nhận về đề xuất này trên kênh Fox News.

Ông Larry Kudlow, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng cho biết: "Nhiều năm trước, Tổng thống Truman cũng từng có ý tưởng này. Greenland thuộc Đan Mạch và họ là một đồng minh của chúng ta. Greenland có vị trí chiến lược và cũng có rất nhiều khoáng sản giá trị. Tôi không dự đoán gì vào lúc này nhưng Tổng thống là một chuyên gia về bất động sản và ông ấy có lẽ muốn xem xét tiềm năng của việc này".

Rõ ràng, nguồn tài nguyên là một lý do quan trọng cho ý tưởng này. Những thăm dò địa chất đã cho thấy, Greenland hiện sở hữu trữ lượng khoáng sản hàng đầu thế giới như vàng, đồng, urani và cả đất hiếm - nguyên liệu thiết yếu cho sản xuất các thiết bị điện tử. Và sở hữu chúng có thể đem lại một lợi thế không nhỏ cho Mỹ trong việc thúc đẩy chiến lược công nghệ.

Quan trọng hơn là vị trí của Greenland tại vùng Bắc cực. Biến đổi khí hậu đang khiến băng ở khu vực này tan dần, và mở ra 1 tuyến hàng hải tiềm năng mà nhiều nước đã chạy đua thống lĩnh ngay từ thời điểm này. Cách đây 2 năm, Nga đã có tàu chở dầu đầu tiên đi trên tuyến hàng hải Bắc Cực. Trung Quốc cũng đang muốn mở 1 tuyến hàng hải sang châu Âu tại đây - còn được gọi là "con đường tơ lụa Bắc Cực".

Một ước tính từ Nga cho rằng, giá trị kinh tế của Greenland có thể lên đến 10 nghìn tỷ USD - và nó chỉ là 1 phần nhỏ trong những lợi ích chiến lược, mà nền kinh tế số 1 toàn cầu không muốn đứng ngoài.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước