Ngày 11/8, ông Pascal Lamy, nguyên Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới WTO đã có buổi tọa đàm với đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Pascal Lamy đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi nghiêm túc các cam kết cũng như nỗ lực tự do hóa thương mại từ sau khi
gia nhập WTO cách đây bảy năm. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa vì thương mại quốc tế đã thay đổi rất nhiều.
Cụ thể là, giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu hiện được quan tâm nhiều hơn kim ngạch xuất khẩu. Chi phí vận chuyển và các loại phí giao dịch khác không còn là những vấn đề hóc búa nhờ sự phát triển công nghệ. Ông Pascal Lamy cho rằng, xu hướng hiện nay của các hiệp định thương mại là hướng tới bảo vệ người tiêu dùng hơn là bảo vệ cho nhà sản xuất.
‘ Đông đảo các doanh nghiệp tới tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp
Ông Pascal Lamy nói: “Một vấn đề mới nổi lên trong các hàng rào thương mại, hay theo thuật ngữ của WTO là các hàng rào phi thuế quan, là việc các hàng rào này phải bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng từ các rủi ro sức khỏe, môi trường, an toàn thay vì bảo vệ lợi ích của các nhà sản xuất. Và đây thực sự là một điểm khác biệt”.
Đề cập đến tầm quan trọng của việc bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI chỉ ra rằng, lợi ích của nhà sản xuất chính là công ăn việc làm của rất nhiều người. Đây cũng chính là một trong các vấn đề thương mại phải tranh cãi nhiều. Ông Lộc lấy ví dụ về xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam.
Ông Pascal Lamy đồng ý với Chủ tịch VCCI rằng, bảo hộ vẫn là một vấn đề lớn trong các cuộc đàm phán thương mại, nhưng ông tin rằng, điều này sẽ ngày càng ít đi. Nhân dịp này, ông Pascal Lamy cũng đã trao đổi với đại diện các doanh nghiệp Việt Nam những vấn đề về sở hữu trí tuệ, chế tài của WTO đối với hàng hóa giả, khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam trong việc nhập khẩu các hàng hóa phụ trợ.