Các đại biểu tại buổi họp báo.
Nếu Quốc hội một nước, đặc biệt là Mỹ không thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, thì hiệp định này còn có hiệu lực hay không? Đây là câu hỏi được đặt ra trong buổi họp báo.
Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: “Đã có một điều khoản ghi rõ, TPP chỉ được có hiệu lực khi bao nhiêu nước, chiếm bao nhiêu phần trăm GDP thông qua thì TPP mới có hiệu lực”.
Cũng theo ông Trần Quốc Khánh, hiện chưa có nước nào công bố thỏa thuận đàm phán. Những ngày qua, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa thông tin về các điều khoản cần trích nguồn rõ ràng, để người đọc có thể kiểm chứng độ xác thực.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng lên 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025.
Tuy nhiên, một số ý kiến trong buổi họp báo đã tỏ ra lo ngại nhập siêu của Việt Nam sẽ tăng khi thuế nhập khẩu của hàng hóa về 0%, hàng hóa của các nước sẽ tràn vào Việt Nam, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất trong nước. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, cũng là cố vấn cho phái đoàn đàm phám đã chủ động trả lời câu hỏi này. Ông cho rằng, thời gian đầu, nhập siêu có thể sẽ tăng, nhưng sau đó, doanh nghiệp và người dân phải nắm bắt lấy cơ hội.
Tại buổi họp báo, đại diện Bộ Công Thương cho biết, sau quá trình phê duyệt kéo dài 18 đến 24 tháng, Hiệp định TPP bắt đầu có hiệu lực. Riêng chăn nuôi - ngành được nhận định là chịu ảnh hưởng lớn khi gia nhập TPP vẫn sẽ có ít nhất 10 năm trước khi thuế về 0%.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!