Động thái này đánh dấu bước nhảy vọt lớn nhất về tiền lương trong 31 năm qua tại Nhật Bản.
Báo cáo sơ bộ của Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản, còn được biết đến với tên gọi "Keidanren" - tổ chức vận động vì doanh nghiệp lớn nhất tại nước này, công bố ngày 19/5, cho thấy mức tăng lương trung bình nói trên tương đương với việc người lao động tại các công ty sẽ nhận thêm 13.110 Yen (95 USD) mỗi tháng, tăng 5.680 Yen so với năm trước đó.
Dữ liệu cho thấy mức tăng mới nhất này cao hơn 2,27% so với năm trước đó, đồng thời là mức tăng cao nhất kể từ năm 1992 (4,78%).
Báo cáo sơ bộ của Keidanren được tính dựa trên mức thay đổi tiền lương trung bình của mỗi thành viên công đoàn tại 92 công ty thuộc 15 ngành khác nhau. Các số liệu cho thấy tất cả 15 ngành, ngoại trừ lĩnh vực sản xuất thép, đều ghi nhận mức tăng lương cao hơn so với năm ngoái. Ngành đóng tàu tăng mạnh nhất với 6,06%, tiếp theo là ngành cơ khí và kim loại tăng 5,01% và các công ty xây dựng tăng 4,64%.
Đồng Yen của Nhật Bản. (Ảnh: Bloomberg)
Trong bối cảnh Nhật Bản vật lộn với giá tiêu dùng tăng cao, chủ yếu là do chi phí nhập khẩu tăng sau khi đồng Yen sụt giảm giá trị, cũng như những ảnh hưởng của xung đột tại Ukraine, Thủ tướng Fumio Kishida đã nhiều lần yêu cầu các doanh nghiệp nước này tăng lương với tốc độ vượt tỷ lệ lạm phát và giúp duy trì nền kinh tế.
Số liệu chính thức mới công bố ngày 17/5 cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý I/2023, nhờ sự phục hồi của hoạt động du lịch sau khi các hạn chế biên giới trong mùa dịch được dỡ bỏ từ tháng 10/2022.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong ba tháng đầu năm nay đã tăng 0,4% vượt mức kỳ vọng của thị trường là 0,2% và cao hơn mức 0% ghi nhận trong quý cuối cùng của năm 2022.
So với cùng kỳ năm 2022 kinh tế Nhật Bản tăng 1,6%, đánh dấu lần tăng đầu tiên trong ba quý và vượt mức dự báo 1,1% của giới chuyên gia. Tính chung trong năm tài khóa 2022 (kết thúc vào ngày 3/3/2023), nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tăng trưởng 1,2%, cũng là năm tăng thứ hai liên tiếp.
Ông Ryutaro Kono, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng BNP Paribas, cho biết hoạt động chi tiêu của du khách đến Nhật Bản đã phục hồi nhanh chóng trong giai đoạn trên. Nhật Bản đã đón gần năm triệu lượt du khách trong quý đầu tiên của năm 2023 - vẫn thấp hơn đáng kể so với con số tám triệu lượt du khách ghi nhận vào cùng kỳ năm 2019.
Tiêu dùng tư nhân vào cùng kỳ báo cáo tăng 0,6%. Các nhà kinh tế cho biết sự gia tăng tập trung vào lĩnh vực dịch vụ bao gồm nhà hàng - khách sạn đã giúp bù đắp tác động tiêu cực từ hoạt động giao thương suy yếu.
Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Nhật Bản đã giảm 4,2% trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại và đồng yen vẫn trong quá trình phục hồi từ mức thấp kỷ lục hồi năm ngoái. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Nhật Bản cũng giảm 2,3% còn đầu tư công gần như không thay đổi.
Chuyên gia Taro Saito thuộc Viện nghiên cứu NLI nhận định xuất khẩu của Nhật Bản dự kiến tiếp tục giảm trong ba tháng tới do các nền kinh tế nước ngoài suy yếu, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng triển vọng u ám này được cân bằng phần nào bởi tiêu dùng tư nhân tăng nhanh khi hoạt động kinh tế bình thường hóa. Lạm phát ở Nhật Bản cũng "hạ nhiệt" từ mức cao nhất trong bốn thập kỷ, với giá tiêu dùng không bao gồm thực phẩm tươi sống dễ biến động chỉ tăng 3,1% trong tháng Ba, tương đương với mức của tháng Hai.
Tháng trước, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã hạ dự báo tăng trưởng cho năm tài chính 2023-2024 từ 1,7% xuống còn 1,4%. BoJ viện dẫn những bất ổn lớn đối với nền kinh tế Nhật Bản, bao gồm hoạt động kinh tế và biến động giá cả ở thị trường nước ngoài, cũng như tình hình tại Ukraine và diễn biến của thị trường hàng hóa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!