Tuy nhiên, người dân Nhật Bản giờ đây đang phải làm quen với một thực tế hoàn toàn khác khi đà tăng lạm phát trên toàn thế giới đã bắt đầu tác động đến cuộc sống của họ.
Ông Shizuo Mori - chủ một cửa hàng cà phê tại khu thương mại Toranomon, thủ đô Tokyo cho biết, chi phí bán buôn các sản phẩm chính của ông đã tăng 5% trong vòng 3 tháng qua, ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh.
Ông Shizuo Mori chia sẻ: "Giờ đây, giá sữa, bánh mỳ và cả giá xăng dầu đều tăng mạnh. Tôi đang cố gắng hết sức để bù đắp chi phí gia tăng. Đó là cách thức kinh doanh của tôi. Không còn lựa chọn nào khác".
Với mức giá 3,6 USD/cốc cà phê, lợi nhuận của ông Shizuo đang phải đối mặt với áp lực lớn từ chi phí đầu vào. Tuy nhiên, ông vẫn cố gắng không chuyển chi phí sang phía người tiêu dùng.
Ông Shizuo Mori cho biết thêm: "Với những người có mức thu nhập cao, có lẽ họ sẽ không quan tâm đến việc tăng giá. Tuy nhiên, với những người có thu nhập trung bình như tôi, điều này sẽ có tác động lớn. Nếu giá cà phê tăng 10%, những người thường mua 3 lần 1 tuần sẽ chỉ mua 2 lần thôi. Sẽ có ít khách tới đây hơn".
Trên khắp Nhật Bản, người tiêu dùng và các doanh nghiệp đều đang phải đối mặt với cú sốc tăng giá hàng hóa, khi chỉ số lạm phát bán buôn trong tháng 9 đã chạm mức cao nhất 13 năm. Mặc dù lạm phát tại Nhật Bản vẫn ở mức khiêm tốn so với tiêu chuẩn toàn cầu, chi phí gia tăng đã buộc một số công ty phải tăng giá bán sản phẩm lần đầu tiên sau nhiều năm.
Một số doanh nghiệp khác như chuỗi nhà hàng Matsuya lại lựa chọn ngừng bán các sản phẩm cao cấp, và chuyển sang cung cấp các loại mặt hàng thông thường, sử dụng nguyên liệu rẻ hơn, để tránh gây sốc cho người tiêu dùng.
Chị Aya Mori, người tiêu dùng Nhật Bản, nói: "Tôi không cảm thấy mình đang phải trả nhiều tiền hơn khi đi mua sắm. Tuy nhiên, khi biết rằng giá một bát thịt bò đã tăng từ 2,8 USD lên 3,35 USD, tôi nhận ra, giá đã tăng lên rất nhiều".
Theo Reuters, từ nhiều năm qua, giới chức Nhật Bản đã cố gắng thúc đẩy giá tiêu dùng nhưng là thông qua việc kích thích nhu cầu, chứ không phải bởi sự hạn chế nguồn cung như hiện nay. Việc giá cả hàng hóa tăng, nhưng lại không phù hợp với tiến trình tăng lương cho người lao động, được dự báo sẽ khiến nhiều người tiêu dùng Nhật Bản gặp khó khăn trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!